Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được thông qua và dự kiến sẽ đi vào thực thi trong giai đoạn giữa năm 2020 nếu mọi việc diễn biến thuận lợi như kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Để có thể khai thác hết những lợi ích mà hiệp định mang lại, theo lãnh đạo ngành công thương, trước tiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ nội dung quy định đã cam kết theo hiệp định hay cần hiểu rõ các loại sản phẩm của mình được xuất đi những nước nào trong Hiệp định….
Về lâu dài, doanh nghiệp phải có chiến lược hợp tác để cùng mở rộng đầu tư sản xuất nhằm thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Chỉ có liên kết chuỗi với nhau các doanh nghiệp mới cùng đạt được thành công. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành là việc làm cấp thiết để trở nên cạnh tranh hơn so với các nước cung ứng khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở mức độ cao hơn, toàn diện và sâu, rộng hơn.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ có điều kiện tăng trưởng GDP từ việc khai thác các cơ hội của EVFTA, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và trao đổi thương mại quốc tế… Tuy nhiên, cùng với những cơ hội thì thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ, như việc Việt Nam phải đối mặt với các nguy cơ, rủi ro khi mở cửa thị trường. Thêm nữa là sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế cũng như các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất và cộng đồng doanh nghiệp với số đông là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số.
Theo cam kết tại EVFTA, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ 99% số dòng thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ Liên minh châu Âu. Sau 10 năm, Việt Nam sẽ tiếp tục xóa bỏ 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ Liên minh châu Âu.
Như vậy, áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu của Liên minh châu Âu với các ngành hàng liên quan của Việt Nam là rất lớn. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm, hoặc dành ưu đãi cho Liên minh châu Âu trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Ở chiều ngược lại, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam. Đơn cử như, sau 9 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô phân khối lớn trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diesel. Sau 10 năm, sẽ xóa bỏ nốt thuế đối với các loại ôtô còn lại. Hay các loại đồ uống có cồn, thực phẩm như thịt gà, thịt lợn đông lạnh và linh kiện, phụ tùng ôtô, máy móc, thiết bị hay hóa chất… sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau thời hạn tối đa là 7 năm; thịt bò là 3 năm; sữa và sản phẩm sữa từ 3-5 năm; cá và các sản phẩm cá từ 3 - 7 năm...
Về thuế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Liên minh châu Âu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu và tập trung vào một số nhóm hàng như: dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...