Vera lần đầu tiên nộp đơn xin nhập quốc tịch Anh tháng 2/1943. Đơn của bà bị từ chối mà chẳng có lý do gì cụ thể. Có thể các sỹ quan cấp cao trong SOE nghi ngờ Vera vì bà vừa là người gốc Do Thái lại sinh ra ở Rumani. Tuy nhiên, cấp trên của bà, ông Maurice Buckmaster, chỉ huy trưởng Đơn vị F, đã phản đối mạnh mẽ thái độ kỳ thị này và quyết tâm đòi lại công bằng cho Vera.
Quân đồng minh đổ bộ vào Pháp. |
Tới tháng 2/1944, D-Day (ngày quân đồng minh bắt đầu đổ bộ lên nước Pháp) đã được lên kế hoạch và chính nhờ tham gia chiến dịch này mà Vera đã được nhập quốc tịch Anh. Trong thư gửi tới Bộ Nội vụ ủng hộ Vera xin nhập quốc tịch Anh, Maurice đã nhấn mạnh rằng SOE muốn Vera tổ chức một đơn vị đặc biệt tại địa bàn Pháp để phối hợp hoạt động sau khi chiến dịch D-Day được thực hiện. Ông viết: “Nếu Atkins phải ra nước ngoài mà vẫn mang quốc tịch Rumani, chúng tôi sợ rằng bà sẽ gặp khó khăn và bị hạn chế trong hoạt động”. Nhờ lập luận này của Maurice, Vera cuối cùng đã được nhập quốc tịch Anh ngày 24/3/1944.
Đơn vị F của SOE được giao nhiệm vụ tối quan trọng trong chiến dịch D-Day. Nhiều điệp viên mới cũng phải sang Pháp hoạt động dù đầy hiểm nguy phía trước. Tuy nhiên, mạng lưới điệp viên ở đây đã hoạt động hiệu quả trong ngăn chặn các đường dây liên lạc của Đức quốc xã, ngăn quân Đức tiếp cận các bãi biển nơi đổ bộ của quân đồng minh. Họ đã cho nổ tung các đường ray xe lửa, cắt đường điện thoại, kho chứa nhiên liệu và phá vỡ các con đập. Một trong các điệp viên nổi bật trong thời gian này là Violette Szabo. Violette đã nhảy dù vào Pháp ngày 5/4/1944. Bà nhập vai nữ thư ký tên Corinne Reine Le Roy nhằm tìm hiểu xem quân Đức có thâm nhập vào một mạng lưới điệp viên cấp thấp của Anh hay không. Sau khi phát hiện mạng lưới này đã bị thâm nhập, Violette đã về Anh để báo cáo tình hình và tìm cách đối phó với quân Đức.
Tháng 6/1944, SOE đã gửi hàng trăm bức điện chỉ đạo tới các mạng lưới của mình và cũng nhận được hàng trăm báo cáo từ các điệp viên ở địa bàn. SOE đã nhận được một bức điện từ tình báo Đức có nội dung mỉa mai: “Cám ơn vì đã cung cấp cho chúng ta nhiều vũ khí, đạn dược cũng như những kế hoạch và ý đồ của các vị”. Bức điện cũng cho biết một số điệp viên của Anh đã bị bắn, số khác có tinh thần hợp tác thì được sống. Maurice trả lời bằng một giọng mỉa mai không kém: “Rất tiếc khi biết rằng các ngài không còn kiên nhẫn được nữa và các ngài không thể can đảm bằng chúng tôi đâu”.
Pari được giải phóng khỏi quân Đức tháng 8/1944. Khi chiến tranh kết thúc, được sự chấp thuận của Thủ tướng Winston Churchill, Vera Atkins đến các quốc gia, chủ yếu là Pháp, Đức và Bỉ, để truy tìm tung tích 118 điệp viên bị mất tích trong số 400 điệp viên của Đơn vị F được cử tới các chiến trường. Bà cho biết: “Tôi không thể nào bỏ quên các đồng đội của mình được. Làm rõ từng trường hợp mất tích của họ chính là cách duy nhất để đền đáp công lao của họ”.
Vera đã yêu cầu các đơn vị liên quan chuyển cho bà bất kỳ tài liệu nào đề cập tới các điệp viên mất tích của Đơn vị F để bà tìm kiếm. Vào giữa tháng 9/1944, Vera đọc được một báo cáo về điệp viên Marcel Rousset, thuộc Đơn vị F với biệt hiệu Leopold. Trong báo cáo, Marcel kể lại chi tiết việc các nhân viên mật vụ của Đức quốc xã khẳng định họ biết Marcel có biệt hiệu Leopold nhưng ông kiên quyết bác bỏ. Chúng yêu cầu ông giúp chúng gửi điện báo và ông ấy đã đồng ý. Tuy nhiên, ông đã chủ động đánh lừa chúng vì vậy chúng chỉ gửi những thông tin mập mờ về nước Anh. Qua tin nhắn này, Vera đã biết được chính Marcel đã đánh lừa bọn mật vụ Đức quốc xã. Vera đã gạch chân tên của những điệp viên của Đơn vụ F trong báo cáo này của Marcel và những người trong danh sách mất tích. Một trong số các điệp viên được đề cập mang bí danh Madeleine, người mà Vera cho là Noor Inayat Khan. Marcel chưa từng thấy Noor mà chỉ biết rằng cô đang bị giam giữ ở đâu đó.
Quang Tuyến
Đón đọc kỳ cuối: Bất tử trong thế giới điệp viên