Heinz Felfe - Điệp viên hai mang lừng danh

Heinz Felfe - Điệp viên hai mang lừng danh - Kỳ cuối: Trong tù vẫn hoạt động

Chủ tịch BND Reinhard Gehlen - người rất tin tưởng Felfe.

Mặc dù Chủ tịch BND Gehlen vô cùng tin tưởng, quan hệ rất thân mật với "Fiffi", nhưng dần dần, cấp dưới của Gehlen lại tỏ ra thận trọng và nghi ngờ. Họ cảm thấy Felfe hoạt động quá hoàn hảo. Bình thường, một điệp viên mật chỉ lấy được thông tin cho một khía cạnh và phải kết hợp với các điệp viên khác, hoặc cơ quan mật vụ khác mới ghép được một bức tranh toàn cảnh về tình hình. Đằng này chỉ mình Felfe đã có được bức tranh toàn cảnh đó. Nhưng ngay cả khi một người em vợ của Gehlen, cũng làm việc trong BND, cảnh báo Gehlen về Felfe, Gehlen vẫn không tin, cho rằng mọi người ghen tị với những thành tích của Felfe nên mới nghi ngờ như thế.

Nhưng tới tháng 11/1961, Gehlen đã phải thừa nhận đánh giá sai lầm của mình. Anatol Golyzin, một thiếu tá KGB đào tẩu sang CIA, đã khai báo rằng trong BND có một điệp viên chóp bu của KGB. Mặc dù y không biết tên, nhưng những lời khai của y về tin tức mà Felfe cung cấp đã làm cho BND dễ dàng tìm ra con "chuột chũi" trong hàng ngũ của mình.

Ngày 6/11/1961, Felfe bị bắt tại Pullach. Ngay tối hôm đó, CIA đã gửi điện cho BND: "Xin chúc mừng - các bạn đã phát hiện ra Felfe của mình, chúng tôi vẫn chưa tìm ra".

Việc phát hiện ra Felfe làm điệp viên hai mang cho KGB đã khiến Gehlen bị sốc, không gượng dậy nổi. Một thành viên chính phủ Bonn nhận xét: "Lẽ ra trong những ngày này, Gehlen nên nghỉ hưu thì hơn. Felfe làm ông ta suy sụp tới mức chẳng làm gì được nữa".

Kể cả trong trại tạm giam chờ điều tra ở Karlsruhe, điệp viên Felfe vẫn hoạt động cho KGB. Trong những bức thư gửi cho mẹ ở Dresden, tù nhân Felfe đã sử dụng loại mực bí mật mà phải hơ nóng mới hiện chữ lên để gửi thông tin về cho sĩ quan chỉ huy "Alfred". Mặc dù thẩm phán von Engelbrechen có kiểm duyệt những bức thư này nhưng chẳng phát hiện được điều gì.

Vì vậy, KGB nắm được rất rõ, những gì mà cơ quan điều tra đã biết được về hoạt động của Felfe trong 10 năm qua và những gì họ chưa biết. Dĩ nhiên, nguyện vọng lớn nhất của Felfe khi đó là muốn được giải cứu, nhưng "Alfred" trước mắt chưa thực hiện được.

Trụ sở KGB ở Karlshorst, Béclin, nơi nhận các thông tin mật của Felfe.


Ngày 22/7/1963, Tòa án Liên bang đã kết án Felfe 14 năm tù và Clemens 10 năm tù vì tội phản bội Tổ quốc. Ngay sau đó, Mátxcơva đã tìm cách giải thoát cho Felfe đang ở nhà tù Straubing với việc đề nghị đổi Felfe lấy hai sinh viên ở Heidelberg là Peter Sonntag và Walter Naumann đang bị giam ở Liên Xô vì tội hoạt động gián điệp cho Mỹ.

Chủ tịch BND Reinhard Gehlen, người bị Felfe phá hỏng gần như toàn bộ sự nghiệp, đã phản đối mạnh mẽ đề nghị này của Mátxcơva. Ông cho rằng, mặc dù bị giam, Felfe vẫn là người nắm giữ rất nhiều thông tin về cơ quan mật vụ Đức. Sau khi Felfe bị bại lộ thân phận, Gehlen đã phải tổ chức lại toàn bộ hệ thống điệp viên.

Cả người kế nhiệm Gehlen là Gerhard Wessel cũng bày tỏ lo ngại về an ninh tại một cuộc họp ở Phủ Thủ tướng tại Bonn, khi vấn đề tăng cường quan hệ thương mại Đông - Tây thông qua việc thả điệp viên KGB Felfe được đưa ra thảo luận. Wessel cảnh báo, mặc dù Felfe đã bị bại lộ từ nhiều năm, nhưng KGB vẫn còn có thể thu được nhiều thông tin chi tiết về BND qua Felfe. Ngoài ra, với việc tác động để Felfe được trả tự do, KGB có thể cổ vũ tinh thần các điệp viên hiện nay và củng cố niềm tin là KGB không bao giờ bỏ rơi các nhân viên của mình.

Giáo sư Felfe giới thiệu cuốn hồi ký "Phục vụ đối thủ" năm 1986.

Nhưng Herbert Wehner, Bộ trưởng về các vấn đề toàn nước Đức, đã bác bỏ lập luận của cơ quan mật vụ và yêu cầu ân xá cho Felfe để đổi lấy những tù nhân ở miền Đông.

Trong 4 tuần lễ, Thủ tướng Kiesinger đau đầu suy nghĩ giữa cảnh báo của Chủ tịch BND và yêu cầu của Bộ trưởng phụ trách vấn đề toàn nước Đức. Cuối cùng, vì Tổng thống Heinrich Luebke đang đi thăm châu Phi, Thủ tướng Kiesinger đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện), đương kim Thị trưởng Hamburg Herbert Weichmann, là người tạm quyền thay Tổng thống ký quyết định ân xá cho tù nhân Heinz Felfe.

Ngày 14/2/1969, sau 2.658 ngày bị giam, Heinz Felfe đã được trả tự do. Một quan chức Bộ Tư pháp giải thích cho điệp viện bậc thầy đã luống tuổi này được biết là quyết định ân xá sẽ mất hiệu lực nếu Felfe trở lại hoạt động gián điệp và Felfe có thể chọn ở lại Tây Đức hay Đông Đức.

Vừa đi qua cửa khẩu sang lãnh thổ CHDC Đức, Felfe đã được các sĩ quan KGB tiếp đón và đưa về trụ sở KGB tại Đức ở Karlshorst, Béclin.

Sau khi ra tù, Felfe sống tại Béclin và sau này trở thành Giáo sư Khoa học hình sự tại trường Đại học Tổng hợp Humboldt. Năm 1986, Giáo sư Felfe công bố cuốn hồi ký "Phục vụ đối thủ", kể lại quá trình hoạt động của mình trong BND.

Felfe mất ngày 8/5/2008 ở Béclin.

Heinz Felfe sinh ngày 18/3/1918, ở Dresden, con một cảnh sát hình sự. Ông vốn học nghề cơ khí chính xác. Năm 1931, Felfe gia nhập Thanh niên Hitler và năm 1936, gia nhập SS. Năm 1939, Felfe bắt đầu làm việc tại Tổng cục An ninh với tư cách là vệ sĩ bảo vệ những nhân vật cao cấp của đảng Quốc xã NSDAP, sau đó được đào tạo thành cảnh sát hình sự. Năm 1943, Felfe được đưa vào làm việc trong cơ quan tình báo của NSDAP. Sau khi chiến tranh kết thúc, Felfe trở thành tù binh của Anh cho tới năm 1946. Sau đó, Felfe làm việc một thời gian cho cơ quan mật vụ Anh MI 6, nhưng rồi bị Anh bỏ rơi vì tình nghi hoạt động hai mang. Từ năm 1950, Felfe làm việc cho KGB và từ năm 1951, làm việc cho Tổ chức Gehlen, tiền thân của BND, cơ quan tình báo Đức sau này.



Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN