Lúng túng giải đáp về 34.000 tỷ đồng

Con số hơn 34.000 tỷ đồng kinh phí thực hiện “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” đã làm “nóng” ngày khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14/4), lại tiếp tục “đốt lửa” tại cuộc họp sơ kết quý I của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), diễn ra ngày 15/4, tại Hà Nội.

 

Khoản kinh phí dự kiến để đổi mới sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm.

 

Những câu hỏi mà phóng viên đặt ra tại cuộc họp cũng chính là những vấn đề dư luận đang muốn Bộ GD-ĐT làm rõ. Đó là lý do vì sao kinh phí lớn tới như vậy nhưng không có một phần nào cho đầu tư cơ sở vật chất, mà lại chỉ tập trung đổi mới chương trình, sách giáo khoa, mức chi cụ thể cho từng “hạng mục” này sẽ là bao nhiêu, cũng như việc có bao nhiêu phần trăm trong số hơn 34.000 tỷ đồng là ngân sách nhà nước, bao nhiêu phần trăm là xã hội hóa? Đặc biệt, liệu con số này có lấy từ 20% ngân sách quốc gia chi thường xuyên cho giáo dục không?


Nhưng xem ra, mọi câu hỏi đều chưa có được câu trả lời cụ thể. Đặc biệt, ngay cả những đại diện của Bộ GD-ĐT cũng chưa thống nhất được với nhau về cách “diễn giải” khoản kinh phí khổng lồ này.


Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD - ĐT), khẳng định: Đây mới chỉ là con số khái toán, vì bất kỳ đề án nào cũng phải hình dung ra những bước đầu. Đề án còn phải qua rất nhiều bước thẩm tra của Bộ Tài chính và Quốc hội, còn vừa rồi, Bộ GD - ĐT mới trình bày buổi đầu tiên tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


“Do điểm mới của Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông là cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông, vì vậy “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” sẽ tập trung thay đổi phương pháp dạy và học là chính, mà không đầu tư vào trang thiết bị”, ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.


Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thống, kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng không chỉ chi cho “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”, mà còn hai đề án nữa là “Đề án nâng cấp cơ sở vật chất” và “Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”. Trong đó, kinh phí chi xây dựng chương trình, sách giáo khoa khoảng 5.000 tỷ đồng, kinh phí còn lại trong tổng số hơn 34.000 tỷ đồng là dành bồi dưỡng giáo viên và nâng cấp cơ sở vật chất. "Như vậy một phần lớn trong 34.000 tỷ đồng này sẽ được chi cho việc đào tạo hàng triệu giáo viên của trên 35.000 trường học trong cả nước. Thời gian bồi dưỡng là 10 năm. Đây là công việc lớn", ông Đỗ Ngọc Thống khẳng định.


Nghe giải thích của ông Đỗ Ngọc Thống thì có vẻ hợp lý, thế nhưng ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã phủ nhận những con số diễn giải này. Theo đó, con số 5.000 tỷ đồng chỉ chi cho chương trình, sách giáo khoa mà ông Đỗ Ngọc Thống nói ở trên là không chính xác.


Thứ trưởng Hùng chỉ “nhất trí” với Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Đỗ Ngọc Thống rằng 34.000 tỷ đồng mới chỉ là con số "khái toán". “Đề án này được xây dựng trên cơ sở quy định về tài chính của Nhà nước. Bộ GD-ĐT luôn quán triệt chỉ đạo của Chính phủ là triệt để tiết kiệm, không làm thất thoát ngân sách. Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Quốc hội, theo hướng đảm bảo mọi số liệu về kinh phí sẽ khả thi, tiết kiệm, hiệu quả và xuất phát từ nhu cầu đổi mới. Tới ngày 25/4, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định lại hồ sơ, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội dựa trên cơ sở này sẽ thẩm định lại”, Thứ trưởng Hùng khẳng định.


Cũng theo Thứ trưởng Hùng, để hoàn thiện đề án này, Bộ GD - ĐT sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Luật Giáo dục đại học và các luật khác.


Dự thảo “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” được Bộ GD - ĐT công bố từ tháng 6/2011. Trong phần VI của dự thảo, Bộ GD - ĐT đã đưa ra dự kiến kinh phí là 70.000 tỷ đồng. Con số này ngay lập tức gây "sốc" trong dư luận. Bộ GD - ĐT đã phải có công văn giải thích phần kinh phí cho biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ chiếm chưa đầy 1/70 tổng dự toán (khoảng hơn 960 tỷ đồng). Đến nay, sau 3 năm, đề án được sửa lại với con số hơn 34.000 tỷ đồng, nhưng xem ra vẫn chưa thể thuyết phục được dư luận. Có lẽ, Bộ GD-ĐT cần thực tế hơn nữa khi xây dựng đề án, thay vì việc cứ “trên mây” như thế này.


Lê Vân

Xây dựng sách giáo khoa theo hướng tiếp cận đầu ra
Xây dựng sách giáo khoa theo hướng tiếp cận đầu ra

Tại các nước phát triển, các chương trình và sách giáo khoa (SGK) được xây dựng theo hướng tiếp cận đầu ra, coi trọng việc phát triển năng lực hành động, đặc biệt là năng lực phát triển bền vững của học sinh. Đây cũng là một mục tiêu cho chương trình và SGK sau năm 2015 của Việt Nam..

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN