Hiệu trưởng không phải là "quan"
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng - người đứng đầu trường phổ thông: “Hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới, khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi, sự thay đổi của các giáo viên sẽ khó khăn. Nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt, nhưng cũng không ít cá nhân không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán… Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới”.
Thực tế hiện nay, muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên và hiệu trưởng quan trọng. Hiệu trưởng không phải là "quan" trong một cơ sở giáo dục. Đó phải là người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Triết lý của chương trình giáo dục mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động và cần được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng.
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các nhà giáo cần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là cơ hội với ngành Giáo dục. Dù chương trình mới còn phải điều chỉnh, nhưng nhìn chung, chương trình được đánh giá là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục. Sự thay đổi này là quan trọng khi kiến thức của nhân loại là vô hạn, trang bị kiến thức sẽ phải chạy theo kiến thức. Chỉ có năng lực phát triển không ngừng mới ứng phó với sự vô hạn của tri thức.
Do đó, đổi mới là một quá trình, không thể vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Nếu từng giáo viên nhìn lại mình chưa thấy khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới. Cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh, để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng, mỗi nhà giáo cần ý thức được. Chúng ta cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học.
"Thay đổi lớn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất, phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, chúng ta cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận sách giáo khoa
Thực tế, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong giai đoạn, do phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, nên dạy, học thế nào thi như vậy. Nhưng sự thay đổi của chương trình hiện nay thống nhất toàn quốc là yêu cầu. Sách giáo khoa là học liệu, nhưng cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì khó đổi mới.
Ngành Giáo dục qua thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau cho thấy, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn và cần được phát huy. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá, điều này vốn chưa từng có trước đây. Song, thực tế này đặt ra yêu cầu giáo viên phải có năng lực, kỹ năng mới sử dụng hết quyền.
Trong thời gian, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện nay, có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Nhiều chính sách phải thông qua các bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành Giáo dục. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho ngành Giáo dục những chuyển biến tích cực về thể chế, đảm bảo khối giáo dục công – tư được bình đẳng trong thực tế.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo; đồng thời, tăng cường chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hạn chế bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và bổ sung, điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai.