Chấn chỉnh công tác bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Quy định mới về việc thăng hạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên trên địa bàn Nghệ An. Đây được xem là cơ hội cho những người nhiều năm qua chờ nâng hạng. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An khuyến cáo giáo viên cần tìm hiểu kỹ quy định để xác định bản thân thuộc đối tượng nào, đặc biệt, không vội vàng học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên do đơn vị không có chức năng, thẩm quyền đào tạo tổ chức.

Giáo viên chờ thăng hạng - thiệt thòi về thu nhập 

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN

Luật Viên chức năm 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Đối với ngành Giáo dục, giáo viên được xếp từ hạng IV đến hạng I, tùy theo cấp học cũng như yêu cầu về trình độ chuyên môn đào tạo đối với vị trí việc làm tương ứng. Đây cũng là căn cứ để tuyển dụng, trả lương cho giáo viên.

Nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đào tạo trên chuẩn, có bằng đại học, song chỉ được trả lương trình độ trung cấp, cao đẳng (tương ứng với giáo viên hạng IV, hạng III). Để được nâng lương, giáo viên buộc phải thi nâng hạng với nhiều tiêu chuẩn, trong đó, có tiêu chí về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ nghề nghiệp. Thầy Nguyễn Duy Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2, huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Mặc dù là trường miền núi khó khăn, nhưng 100% giáo viên của trường đều có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, trường có 7 giáo viên đang hưởng lương giáo viên hạng III (theo trình độ cao đẳng) do chưa được thi thăng hạng II. Điều này khiến họ gặp thiệt thòi về thu nhập”. 

Thực hiện các Thông tư trên, từ tháng 3/2021, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới sẽ thay đổi. Trong đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện đang áp dụng hệ số từ 1,86 - 4,98); giáo viên tiểu học từ 2,34 - 6,78 (hiện đang áp dụng từ 1,86 - 4,98); giáo viên trung học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện áp dụng hệ số từ 2,1 - 6,38).

Theo thầy Nguyễn Duy Linh, thay đổi theo các thông tư trên có lợi cho rất nhiều cho giáo viên, nhất là những người đang chờ thăng hạng. Đặc biệt, quy định mới đã bãi bỏ tiêu chuẩn về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, khiến giáo viên đỡ vất vả khi muốn thi thăng hạng. Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2, huyện Con Cuông có 27 cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài 7 giáo viên hạng III thì có 20 giáo viên đều đạt hạng II. Những người này cũng đang "nợ" chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức. Những thay đổi theo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo cơ hội cho giáo viên nhà trường được thăng hạng, cũng như bổ sung đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

“Hiện trường đang lập danh sách chi tiết gồm: bằng cấp chuyên môn; các thành tích sáng kiến kinh nghiệm, chứng nhận giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh; các chứng chỉ hiện có... của từng giáo viên. Khi có hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường sẽ thông báo đến giáo viên để học bổ sung chứng chỉ nghề nghiệp và các tiêu chuẩn khác để thi thăng hạng”, thầy Nguyễn Duy Linh cho hay.

Giáo viên chưa cần tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp

Quy định mới về việc thăng hạng khiến nhiều giáo viên trên địa bàn Nghệ An ồ ạt tìm đăng ký các lớp học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên. Thậm chí, nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ. Một số Trung tâm Giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng trường đại học, cao đẳng mở các lớp học chứng chỉ cho học viên. Trong khi đó, không phải cơ sở nào cũng được phép đào tạo, cấp chứng chỉ. Mặt khác, không phải giáo viên nào có chứng chỉ là được nâng hạng ngay.

Trường Trung học phổ thông Mường Quạ, huyện Con Cuông có 33 cán bộ giáo viên, trong đó có 25 người là giáo viên hạng II. Thầy Đặng Văn Bằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nâng hạng là nguyện vọng nhiều năm nay của giáo viên. Tuy nhiên, nhà trường khuyến cáo mỗi giáo viên cần bình tĩnh, không nóng vội chạy theo dư luận để tìm các lớp học không đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ. Nhà trường luôn khuyến khích mỗi giáo viên tự hoàn thiện bản thân, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp thay vì tạo áp lực để thúc giục giáo viên.

Trước băn khoăn, lo lắng của giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã có công văn đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, qua đó xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới, xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng.

Sở khuyến cáo giáo viên trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nhất là những khóa đào tạo online do các đơn vị không đủ điều kiện và chức năng bồi dưỡng, tránh lãng phí không đáng có. Đơn cử như, những giáo viên chưa đủ năm công tác không cần học chứng chỉ nghề nghiệp sớm, thay vào đó cần dành thời gian để bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn khác. 

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định: “Việc Bộ ban hành thông tư mới quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy... các bậc học là hợp lý. Sự điều chỉnh của thông tư mới có lợi hơn cho giáo viên rất nhiều. Khi xếp hạng/bậc theo quy định mới, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ được vượt bậc đáng kể so với trước đó, đồng nghĩa với lương và các chế độ khác cũng nâng lên”. 

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, giáo viên không nên vội vàng đi học các chứng chỉ mà cần tìm hiểu kỹ các các quy định theo thông tư mới để xác định rõ mình thuộc đối tượng nào. Sở đã có văn bản nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức không có chức năng, thẩm quyền tự ý vào quảng cáo chiêu sinh, tổ chức cho giáo viên đăng ký các khóa bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục không phối hợp với các đơn vị đào tạo triển khai bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi chưa có ý kiến của Sở.

Bích Huệ  (TTXVN)
Từ tháng 3/2021, chính sách tiền lương của quân đội, giáo viên sẽ có hiệu lực
Từ tháng 3/2021, chính sách tiền lương của quân đội, giáo viên sẽ có hiệu lực

Một số chính sách tiền lương có liên quan đến quân đội, giáo viên sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN