Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi văn bản đến các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển hướng dẫn quy trình tổ chức tuyển sinh. Tình nguyện viên tham gia tư vấn, hướng dẫn thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Quang Cường - TTXVN |
Theo hướng dẫn mới của bộ, các trường phải công bố trên trang thông tin điện tử của trường các thông tin như: Tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành hoặc nhóm ngành của trường cùng với chỉ tiêu của từng ngành. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho 1 ngành phải quy định và công bố độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp.
Các trường phải công bố cả các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp có nhiều thí sinh ở cuối danh sách trúng tuyển có điểm xét tuyển như nhau dẫn đến vượt chỉ tiêu. Trang thông tin điện tử của trường cũng phải công bố điểm xét tuyển vào từng ngành và điểm này không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, trong đó đợt 1 kéo dài từ ngày 1- 20/8. Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh gồm: Bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh; Phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành của trường, xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Ở mỗi nguyện vọng thí sinh phải chỉ ra tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển; một phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ của thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ: Trong trường hợp thí sinh đề nghị rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, các trường cần tạo điều kiện cho thí sinh.
Thí sinh phải đến trường hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ. Các trường cần quản lý hồ sơ một cách khoa học, đảm bảo việc tìm kiếm hồ sơ để trả cho thí sinh được thực hiện một cách thuận lợi cũng như thông báo thời gian thí sinh có thể bắt đầu đăng ký lại vào trường khác sau khi rút hồ sơ.
Thí sinh chỉ được thay đổi các nguyện vọng trong trường cũng như rút hồ sơ để nộp sang trường khác đối với xét tuyển đợt 1. Khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng cũng như rút hồ sơ. Khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên của mình. Những thí sinh đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên cần nộp kèm theo hồ sơ minh chứng về chế độ ưu tiên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tổ chức xét tuyển theo hình thức trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Với quy chế xét tuyển đã ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường nên sẽ không có hiện tượng thí sinh ảo. Tuy nhiên, do thí sinh có quyền vừa đăng ký xét tuyển bằng học bạ, vừa đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi nên thực chất chỉ có những ngành có điểm trúng tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 1 – 2 điểm sẽ không có thí sinh ảo, còn các ngành có điểm trúng tuyển bằng ngưỡng sẽ phải tính đến một tỉ lệ nhất định thí sinh ảo.
Các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, do thí sinh có quyền sử dụng đồng thời cả 3 Giấy chứng nhận kết quả thi nên sẽ có tỉ lệ thí sinh ảo (do đồng thời trúng tuyển nhiều trường), tuy nhiên tỉ lệ ảo sẽ ít hơn so với năm 2014 về trước (do trước kia thí sinh có tối đa 6 giấy báo điểm và nộp được tối đa 6 trường).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định xét 4 nguyện vọng trong một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 được hiểu như sau:
Nếu thí sinh có mức điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất. Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4.
Các nguyện vọng 1, 2, 3, 4 trong một trường được xét đồng thời (thực hiện bằng phần mềm xét tuyển do Bộ cung cấp hoặc phần mềm do trường xây dựng với thuật toán do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp).
Trong 4 nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành đại học và cao đẳng (nếu trường có đào tạo cao đẳng).