Cần xem xét nguyện vọng của học sinh trước khi thực hiện bỏ cộng điểm thi nghề. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Năm học 2017-2018, toàn bộ học sinh khối lớp 9 trên địa bàn huyện Hưng Nguyên không học nghề. Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc - Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Quang Trung, huyện Hưng Nguyên cho biết: Việc huyện không tổ chức học nghề ở bậc Trung học cơ sở là đúng. Bởi lẽ lâu nay, chúng tôi dạy nghề cho học sinh nhưng chủ yếu các em học môn Tin học tại trường, do giáo viên của trường trực tiếp giảng dạy nên định hướng nghề nghiệp chưa rõ. Nếu muốn học các nghề khác, trường phải thuê Trung tâm dạy nghề của huyện và học sinh phải nộp thêm học phí, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, do tất cả các trường trên địa bàn huyện đều không tổ chức dạy nghề cho học sinh lớp 9 nên các em không quá lo lắng về việc có hay không được cộng điểm nghề trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nếu các em đăng ký vào các trường Trung học phổ thông tại huyện. Tuy nhiên, với những em có nhu cầu đăng ký vào các trường Trung học phổ thông ở thành phố Vinh thì khá băn khoăn.
Học sinh Phạm Thảo Nguyên, lớp 9A, trường Trung học cơ sở Quang Trung, huyện Hưng Nguyên băn khoăn: "Do trường em nằm ở khu vực thị trấn, gần với thành phố Vinh nên sẽ có một số bạn muốn đăng ký vào các trường Trung học phổ thông ở thành phố. Vì vậy, chúng em mong muốn nếu đã bỏ thi nghề thì cần bỏ đồng loạt để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh khi thi tuyển đầu vào".
Tại thị xã Hoàng Mai, những năm trước, Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn khuyến khích các trường tổ chức học nghề, nhưng qua khảo sát số lượng học sinh tự nguyện đăng ký học nghề không cao. Vì vậy, năm học này tất cả các trường Trung học cơ sở trên địa bàn đều không tổ chức dạy nghề.
“Thực tế cho thấy, dù có học nghề nhưng mục đích học nghề của học sinh chủ yếu là để lấy điểm cộng vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong khi đó, vì năng lực và điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên các trường đa phần chỉ dạy môn tin học. Điều này không hiệu quả vì trong thời khóa biểu chính khóa, mỗi tuần các em đã được 2 tiết tin học theo khung chương trình quy định”, ông Nguyễn Viết Lộc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoàng Mai lý giải.
Băn khoăn hiện nay đó là việc bỏ điểm nghề có “triệt tiêu” việc học nghề ở bậc phổ thông và bỏ vào thời điểm nào là hợp lý. Hiện đến tháng 1/2018, việc học nghề của học sinh lớp 9 trên địa bàn Nghệ An đã hoàn thành và dự kiến sang tháng 4/2018 các em đã bắt đầu thi. Vì thế, nếu bỏ trong thời điểm này là lãng phí.
Ông Phạm Đức Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nghệ An cho biết: Năm nay, chúng tôi đã tổ chức dạy nghề cho gần 1.700 học sinh lớp 9 của 14 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh và mong mỏi của các em là được cộng thêm điểm đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong thời điểm này, đây là nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Thực tế cũng cho thấy, khi chủ trương bỏ cộng điểm nghề được thực hiện, ngành giáo dục cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả của việc học nghề ở bậc phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần có những hình thức khuyến khích hướng nghiệp thay thế, nhằm mục đích thực hiện tốt kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp mà tỉnh Nghệ An đang thực hiện hiện nay.
Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu quan điểm: Chúng ta không nên hiểu, học nghề ở bậc phổ thông là nhằm mục đích chính để cộng điểm mà đây là một cơ hội để học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp tương lai, để các em định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, bỏ điểm nghề không có nghĩa là xóa bỏ học nghề mà để việc học nghề đi vào thực chất, không chạy theo điểm số, không chạy theo số lượng...
Thực hiện kế hoạch phân luồng hướng nghiệp của UBND tỉnh, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đang khuyến khích các trường phổ thông phối hợp với các Trường trung cấp, các Trung tâm dạy nghề mở những ngành nghề gần gũi sát với thực tế để học sinh đến với việc học nghề một cách tự nguyện. Đồng thời, thông qua học nghề sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp để giúp học sinh có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện kinh tế của gia đình và địa phương, giúp cho công tác phân luồng được hiệu quả, thực chất và đúng đối tượng.