Sử dụng hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm: Doanh nghiệp bức xúc, Tổng cục... vẫn chờ

Tính từ khi chuyển sang cấp đổi thẻ từ hướng dẫn viên du lịch (HDV), đến nay, Tổng cục Du lịch đã cấp 7.537 thẻ HDV, trong đó 2.265 thẻ HDV nội địa, 5.272 thẻ HDV quốc tế. Tuy nhiên còn hơn 500 HDV không được cấp thẻ mới theo quy định của Luật Du lịch, mà chủ yếu là HDV ngoại ngữ hiếm, khiến nhiều doanh nghiệp có đoàn khách đến từ các nước này vẫn sử dụng HDV... chui.

Thiếu cục bộ

Theo quy định của Luật Du lịch, những người được cấp thẻ HDV quốc tế phải đạt trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên, nếu tốt nghiệp đại học khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp... Hiện, ngoài tiếng Anh, Trung, Pháp, còn lại các thứ tiếng khác đều xếp là ngoại ngữ hiếm. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành và địa phương cho thấy, vẫn đang tồn tại tình trạng thiếu cục bộ HDV ngoại ngữ hiếm theo từng vùng, từng thời điểm. Thậm chí ngay với những ngoại ngữ không phải thuộc dạng hiếm, thì tình trạng thiếu HDV vẫn đang diễn ra. Đại diện Công ty lữ hành Kim Liên cho biết: “Nếu có đoàn khách Trung Quốc tới miền Bắc thì còn đủ lượng HDV, nhưng nếu đoàn đi tiếp vào miền Trung và miền Nam là sẽ rất thiếu HDV. Cả khu vực miền Trung, chỉ có khoảng 3 HDV nói tiếng Trung được cấp thẻ. Ngay như tại TP Hồ Chí Minh, theo quy định mới của luật, HDV có thẻ tiếng Trung cũng rất ít và phần lớn lại có độ tuổi cao, trên 38. Thực tế này đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nếu cử HDV đi suốt tuyến giá tour sẽ đội lên rất cao; còn sử dụng lực lượng tại chỗ thì vừa thiếu vừa phạm luật. Trên thực tế, nếu có nhiều đoàn khách vào miền Nam và miền Trung thì hầu hết các doanh nghiệp phải sử dụng “chui” lực lượng HDV chưa có thẻ ngoại ngữ hiếm”.

Khâu đào tạo hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: Lê Phú


Thừa nhận thực tế này, đại diện sở VH,TT&DL Đà Nẵng cho biết: “Thời gian gần đây lượng khách Trung Quốc tới miền Trung tăng, trong khi HDV biết tiếng Trung có thẻ rất ít, nên Đà Nẵng và Huế, Quảng Nam có văn bản thỏa thuận với nhau cho phép sử dụng người biết tiếng Trung, có kinh nghiệm hướng dẫn và được công ty lữ hành bảo lãnh để dẫn đoàn. Biết rằng sai nhưng đã đổ tiền của ra quảng cáo, xúc tiến thu hút khách, nay khách vào chẳng lẽ lại không đón tiếp? Nếu không làm thế thì không lấy đâu HDV”.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước kia nhiều Hoa kiều tham gia hướng dẫn khách Trung Quốc, nhưng theo quy định mới của Luật có tới hơn 100 HDV không được cấp thẻ mới do nhiều người không có bằng cử nhân. Tương tự, tại miền Trung là Thái kiều hướng dẫn luồng khách Thái, nhưng phần lớn lực lượng này mới học hết PTTH. Còn với tiếng Đức, có đến 50% lực lượng HDV tiếng Đức đang sử dụng những người từng lao động tại Đức trước đây... Do khan hiếm HDV ngoại ngữ hiếm nên khi có khách, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng lực lượng cộng tác viên không có thẻ HDV quốc tế để hướng dẫn đoàn.

Cần chiến lược đào tạo lâu dài

Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thị trường khách của Việt Nam rất đa dạng. Ngoài nguồn khách đến từ thị trường gần khu vực Thái Bình Dương, thị trường truyền thống châu Âu, có cả các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Arập… Tuy nhiên, khâu đào tạo nguồn HDV ngoại ngữ hiếm vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Bà Phương Linh, Trưởng phòng HDV của Saigontourist cho biết: Tại TP Hồ Chí Minh, các trường PTTH hiện chủ yếu là dạy tiếng Anh; còn tiếng Pháp chỉ có khoảng chục lớp. Số lượng này khi lên đại học còn tiếp tục bị rơi rụng, và để tuyển vào HDV rất ít. Ngay các trường đại học có chuyên ngành du lịch về hướng dẫn viên cũng đều đào tạo tiếng Anh, các trường đại học có đào tạo ngoại ngữ khác rất ít. Do đặc trưng của nghề HDV đi lại nhiều và cần nhiều kỹ năng tổng hợp nên không phải ai cũng theo nghề được. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành có uy tín đều phải đào tạo lại đội ngũ HDV để nâng cao kiến thức về nghề. Chính vì vậy, ngay như tiếng Pháp là ngôn ngữ được Tổng cục Du lịch coi không phải là ngoại ngữ hiếm, nhưng trên thị trường hiện nay, đội ngũ HDV tiếng Pháp phần lớn là người lớn tuổi, thuộc thế hệ được đào tạo trước những năm 1980.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, công tác đào tạo đội ngũ HDV ngoại ngữ hiếm rất bất cập. Hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng những người HDV ngoại ngữ hiếm là những người đã từng lao động tại các nước như Hàn Quốc, Đức… Họ có thể có kinh nghiệm về ngoại ngữ nhưng chất lượng kỹ năng nghề còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, hiện có khoảng 500.000 khách Hàn Quốc tới Việt Nam, nhưng chỉ có 57 HDV tiếng Hàn. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng, các doanh nghiệp có đoàn khách Hàn Quốc thuê HDV tiếng Anh ngồi “làm vì”, còn lại họ sử dụng HDV biết tiếng Hàn không có thẻ hoặc chính người Hàn Quốc làm hướng dẫn để lách luật.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Việc áp dụng quy định HDV quốc tế có trình độ cử nhân là để kiểm soát, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. HDV quốc tế được ví như đại diện của doanh nghiệp cũng như của đất nước sở tại, nên cần có trình độ và kiến thức ở mức nhất định. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, chính những quy định không phù hợp thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành hiện sử dụng chui lực lượng HDV ngoại ngữ hiếm không có thẻ này.

Việc đào tạo HDV ngoại ngữ hiếm cần thời gian cho nên trước mắt, Tổng cục Du lịch đề xuất với Bộ VH,TT&DL và Chính phủ có quy định đặc cách về cấp thẻ tạm thời cho đối tượng sử dụng một số ngoại ngữ đang thiếu trên thị trường. Đại diện Thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng cho rằng nên cấp thẻ tạm thời, vì nếu không cấp thì doanh nghiệp vẫn làm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nên cấp để quản lý thuận tiện hơn và Tổng cục cần có đề án cụ thể để quản lý đối tượng tạm thời này, trong đó quy định cụ thể đối tượng, thời hạn cấp và có doanh nghiệp bảo lãnh.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN