Du lịch hè 2011: Vẫn kiểu “no dồn đói góp”

Với 4 ngày nghỉ, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã có hàng vạn lượt khách đến các điểm du lịch biển, đồng thời cũng đánh dấu bước khởi động cho mùa du lịch hè 2011. Với lượng du khách đổ về đông, nhiều điểm du lịch quá tải và kéo theo hệ lụy giá cả tăng, ô nhiễm môi trường…

Khách đông, giá tăng chóng mặt

Đó là những ghi nhận của du khách khi đi nghỉ tại các điểm du lịch hè trong dịp 30/4 và 1/5. Theo đại diện các cơ quan quản lý du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh); Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng…, công suất phòng dịp này đạt 95-100%. Thậm chí một số điểm “nóng” du lịch biển, những cơ sở lưu trú bình dân đã “nhồi”, ghép nhiều khách vào một phòng.

Bãi tắm Cửa Lò (Nghệ An) vào ngày khai trương mùa du lịch đã rất đông khách. Ảnh: Lan Xuân

Lượng khách đông dẫn đến giá cả tăng chóng mặt. Chị Lê Giang, làm việc tại một công ty liên doanh, cho biết: “Tôi và gia đình đi nghỉ tại biển Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), cách Sầm Sơn khoảng 40 km về phía nam, biển ở đây còn khá hoang sơ. Tuy là điểm mới nhưng dịp 30/4 nên khách khá đông, giá phòng lên tới 1 triệu đồng/phòng đôi, trong khi ngày thường khoảng 400.000 đồng/phòng; giá hải sản cũng tăng gần gấp đôi so với ngày thường”. Còn anh Hoàng Giao (thành phố Đà Nẵng) cho biết, một số bạn từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào chơi xem bắn pháo hoa, nhờ đặt hộ phòng, anh đã phải nhờ đến mối quan hệ với những khách sạn quen, nhưng giá cũng tăng 40 - 50% so với ngày thường. Giá hải sản, đặc sản mua ngoài chợ dù mua chỗ người quen đợt này ở Đà Nẵng cũng bị tăng giá. Khách vào xem bắn pháo hoa đều là những người có khả năng chi trả cao nên họ mua đồ làm quà khá nhiều.

“Không thể phủ nhận, nhờ du lịch phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương được nâng cấp, dịch vụ đa dạng. Tuy nhiên, với nhiều điểm du lịch miền Bắc do tính mùa vụ; các cơ sở dịch vụ tại các điểm du lịch đa phần là nhỏ lẻ, nhiều khi là người dân quanh vùng nhân mùa du lịch tranh thủ nhảy ra làm dịch vụ khiến chất lượng dịch vụ đã kém mà giá cả lại cao. Đó là chưa kể đến tình trạng “lừa đảo”, bắt chẹt khách khiến nhiều du khách phàn nàn. Kiểu làm du lịch “no dồn đói góp” này thiếu tính bền vững”, ông Lê Giang Đông, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm và xúc tiến du lịch Thanh Hóa cho biết.

Rầm rộ “lễ hội”, “tuần lễ du lịch”

Thống kê sơ bộ cho thấy, mở màn du lịch hè 2011, dịp nghỉ lễ năm nay, có hơn mười lễ hội lớn được các địa phương ven biển tổ chức rầm rộ để quảng bá điểm đến du lịch. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp du lịch thẳng thắn: Trừ lễ hội bắn pháo hoa tại Đà Nẵng tạo sức hút, được coi là một sản phẩm du lịch khá hấp dẫn, còn lại hầu hết các lễ hội của các địa phương đều mang tính sân khấu hóa và hiếm khách du lịch đi tour nào dám đến vì chính lễ hội đó, do quá đông và thực tế không có chỗ dành cho họ. Có thể coi đó là một hoạt động gia tăng trong kỳ nghỉ, nhưng không phải là yếu tố hấp dẫn họ đến đó. Với du khách, yếu tố khiến họ đi du lịch là thời gian nghỉ, khả năng chi trả, cự ly di chuyển thuận tiện, hợp lý. “Thậm chí, với khách quốc tế, chúng tôi còn khuyến cáo họ không nên đến những nơi có lễ hội đông người, vì nơi đó dịch vụ khó đảm bảo”, bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Phượng Hoàng Travel cho biết.

Dưới góc nhìn của người làm quản lý du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Những năm gần đây, lễ hội mở màn cho mùa du lịch hè đang gia tăng cả về số lượng, hình thức và quy mô. Các lễ hội huy động hàng nghìn diễn viên với những thiết bị hiện đại, cờ hoa, trống chiêng, thậm chí được truyền hình trực tiếp theo kiểu sân khấu hóa. Tuy nhiên, những lễ hội này có thực sự thu hút khách? Trên thực tế, những dư âm về chất lượng dịch vụ không đảm bảo, môi trường bị ô nhiễm, du khách bị đeo bám, “chặt chém”... khiến nhiều “lễ hội” chưa thu hút được du khách trong khi chi phí cho lễ hội đó không phải nhỏ. Làm du lịch kiểu này vẫn chưa chú trọng đến chất lượng và chiều sâu, tức là khai trương thì ầm ĩ nhưng sau đó, hiệu quả đến đâu thì đến. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương nên dùng số tiền đó để cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm trước khi bước vào mùa du lịch mới sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn. Các nước có nền du lịch phát triển luôn nghiên cứu du khách cần gì, muốn gì để có sản phẩm du lịch phù hợp; trong khi du lịch Việt Nam mới chỉ “quảng bá những thứ mình có, chứ chưa quan tâm đến cái du khách cần”.

Việc đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch nói chung, nhất là vào thời điểm sôi động như mùa hè rất cần được các địa phương quan tâm bằng những cách làm cụ thể và hiệu quả. “Không chỉ hướng phát triển du lịch bình dân, du lịch nội vùng mà ngành du lịch cần có những chính sách đầu tư ở những cơ sở quy mô lớn hơn để hấp dẫn khách chi trả cao; đồng thời việc tổ chức lễ hội cũng cần hướng tới cơ sở, xuất phát từ nội tại của lễ hội mang tính truyền thống, chứ không phải sân khấu hóa lễ hội như hiện nay, vừa tốn tiền trong khi hiệu quả không cao”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận xét.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN