Phục dựng 100 món ăn cổ Hà Nội - Để các món ăn cổ truyền sống mãi

Việc tìm lại công thức chuẩn cho các món ăn cổ truyền Hà Nội với Nguyễn Phương Hải vốn đã là cả một quá trình dài phải tìm tòi, nghiên cứu, nhưng cái khó hơn vẫn là làm sao để các món ăn ấy sau khi tìm lại được công thức gốc, nó vẫn sống được trong môi trường hiện đại chứ không chỉ như một bảo tàng tinh thần về ẩm thực.


 

Nguyễn Phương Hải dạy nấu các món ăn cổ truyền cho người nước ngoài.

 

Chính Phương Hải cũng phải trăn trở về điều này: “Phục dựng đã khó, giữ gìn và phát huy nó còn khó hơn, nên tôi muốn quảng bá cho nhiều người biết để những món ăn cổ truyền không bị mai một theo năm tháng”. Và Hải đã tự đặt cho mình sứ mệnh truyền bá những món ăn cổ Hà Nội đến với mọi người, đặc biệt là lớp trẻ. Theo anh, cái quan trọng nhất là phải giới thiệu giá trị của các món ăn cổ, thậm chí công thức của từng món ăn tới mọi người một cách trực tiếp thì mới có thể thuyết phục được.


Có rất nhiều các bạn trẻ thường xuyên gọi điện cho anh để hỏi anh công thức nấu các món ăn cổ, và đó là thành công bước đầu của anh: Các bạn trẻ đã thích thú với những món ăn truyền thống, và anh cũng có người để truyền đạt lại. Từ những động lực đó, Phương Hải cũng không ngần ngại đưa những nội dung giới thiệu về các món ăn cổ truyền mà anh đã sưu tầm được vào các chương trình trên các tạp chí ẩm thực, hay các chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình…


Thực tế, để những món ăn cổ “sống” được cũng cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người, người ta đón nhận nó, thích thú với nó, đó mới là thành công. Bởi lẽ nó còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi cuộc sống hiện đại ngày một giản tiện hơn, nhu cầu ăn uống của người Hà Nội cũng đã khác xưa rất nhiều. Một số món ăn truyền thống của Hà Nội ngày nay tuy vẫn giữ được nhưng nó đã bị “cắt gọt” đi nhiều cái tinh túy. Ví dụ món bún thang bây giờ chủ yếu là thịt gà và giò mà thiếu trứng muối, ruốc sỏi (thịt mông lợn băm rang mặn). Trước kia chỉ cho gia vị là lá rau răm nhưng bây giờ lại thêm nào hành lá, rau thơm. Củ cải ăn với bún thang ngày xưa phải là củ cải tươi, chẻ dóng mía 5 phân sau đó phơi ngoài nắng cho tái rồi dầm với nước mắm, đường, giấm. Đó là điều không chỉ Phương Hải mà những ai quan tâm tới Hà Nội đều trăn trở.


“Người Hà Nội xưa ăn uống rất thanh lịch. Bữa ăn thường có rất nhiều món nhưng mỗi món lại làm rất ít, họ ăn chỉ để thưởng thức chứ không phải để lấy no. Ăn chậm rãi, từ tốn để thưởng thức tài nghệ nấu nướng của người đầu bếp. Nói như vậy để thấy được cách ăn uống xô bồ như hiện nay đã phần nào làm mất đi vẻ đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội”, Phương Hải chia sẻ.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Phục dựng 100 món ăn cổ Hà Nội- Bài 1: Hành trình tìm lại giá trị ẩm thực xưa
Phục dựng 100 món ăn cổ Hà Nội- Bài 1: Hành trình tìm lại giá trị ẩm thực xưa

Cùng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều món ăn cổ truyền của Hà Nội gần như biến mất, những công thức chế biến gần như thất truyền...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN