Người làm “sang” cho sơn mài

Thế là hành trình 1 tháng mang hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đến với công chúng thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) của họa sĩ Nguyễn Trường Linh (ảnh) cũng đã sắp khép lại. Ngày 30/4 này, triển lãm sơn mài đầu tiên của một họa sĩ Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), mang tên "Bí ẩn" sẽ kết thúc, tuy nhiên, ấn tượng để lại với công chúng thì chắc sẽ còn dài lâu hơn rất nhiều...


"Bí ẩn" trưng bày 18 tác phẩm sơn mài, được Nguyễn Trường Linh vẽ trong suốt 3 năm ròng vừa qua. Đánh giá về triển lãm, một nhà phê bình của Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định: "Triển lãm như một luồng gió lạ mang đến sự huyền bí, ánh sáng, hào quang rực rỡ của nghệ thuật sơn mài Việt. Khán giả đi từ ngạc nhiên đến thán phục trước nghệ thuật sơn mài Việt Nam và họ hy vọng sẽ lại được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm khác của họa sỹ trong những năm sau". Được biết, nhiều tác phẩm đã được bán ngay trong lễ khai mạc với giá rất cao.


Tác phẩm “Địa ngục không có quỷ”.


Sinh năm Tân Hợi - 1971, hiện là thạc sỹ Mỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Nguyễn Trường Linh thuộc thế hệ thứ ba của nghệ thuật Đổi mới ở Việt Nam.


Đánh giá về Nguyễn Trường Linh, nhà phê bình Lương Xuân Đoàn khẳng định: "Yêu quý chất liệu sơn mài truyền thống, anh coi mình như kẻ hậu sinh, tự tin khi con mắt được đánh thức, nên nhẹ nhõm bước chậm, bước sâu xuống đáy vóc mà vùng vẫy thỏa thuê trong những đĩa màu cũ, tinh túy của sơn mài. Để rồi, mỗi lần ngoi lên lại thấy mình khác.


Hình khác, màu cũng khác khi giữa đôi bờ âm dương của mặt vóc, tiếng ngân vọng dưới đáy đen thăm thẳm kia mới là lời mời gọi quyến rũ nhất để hình sắc tự phá cõi mà tràn lên, hồn tìm được hình mà trú ngụ nơi bức họa, mặc cho cái đẹp hòa điệu bình dị, tự tại giữa vàng, bạc, son, than và vỏ trứng...".


Tác phẩm “Giấc mơ nàng Kiều I”.

Tác phẩm “Giấc mơ nàng Kiều III”.

Tác phẩm “Thiện ác”.

Tác phẩm “Thập điện”.


Theo đánh giá của người trong giới, sơn mài của Nguyễn Trường Linh dùng ngôn ngữ đương đại để bàn về truyền thống. Vốn sùng bái Đạo Mẫu, hết lòng yêu quý thiên nhiên Việt Nam, nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và quan hệ giữa con người và tự nhiên, Nguyễn Trường Linh đã mang tất cả những "niềm yêu" đó vào trong tranh của mình. Đặc biệt, trong các tác phẩm của anh, có thể thấy nhiều yếu tố dân gian, yếu tố văn học đan xen với nhiều hình thức của văn hóa Việt Nam, như các tác phẩm: "Vọng phu", "Thập điện", "Vũ điệu lên đồng", "Giấc mơ Nàng Kiều" I, II, III… Chả thế mà có người đã nhận định: Tranh của Linh phá vỡ nhiều định kiến, khuôn khổ của nghệ thuật sơn mài, mỗi tác phẩm như một triển lãm độc lập, như một câu chuyện kể cho khán giả về sử thi của dân tộc về những tư tưởng huyền bí của Việt Nam.


Tác phẩm “Cây đôi”.


Một thành công nữa của Linh chính là việc đưa những chất liệu đặc biệt vào trong tranh. Nói như nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn: "Linh không ngần ngại tự đập vụn những thói quen sở đắc của mình trong vỏ trứng - một chất cứng khó tìm giữa những bờ cõi khác trong tranh. Và cũng lạ lùng thay trên nền sơn thắm, vỏ trứng chợt mềm lại, rạng lên cái ánh sáng miên viễn của tâm ta nơi trần thế. Đọc vị những tính nết bất thường, khó hiểu của chất liệu, Linh nương theo cái nhập và cái biến của nét và màu, mở ra những không gian lạ trong cõi vắng của tinh thần. Từ cây cầu già chưa kịp xa những sắc vàng còn lại của dĩ vãng, một góc vườn xưa của kỷ niệm, một vệt nắng sớm trên triền núi xa… nhưng ám ảnh ta nhất lại là hình hài, duyên phận những người phụ nữ Việt Nam. Họ tìm mộng trong đời thực, vừa hóa đá để vọng phu đã lang thang mộng du dưới thập điện. Họ nợ duyên kiếp trước nên cũng tùy duyên mà trả nợ duyên những ai trong cõi nhân gian. Họ ở giữa ma quỷ và thánh thần nhưng luôn là cái Đẹp cứu rỗi trần gian muôn màu".



P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN