Luồng gió mới cho phim tài liệu Việt Nam

Sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ với những bộ phim tài liệu phản ánh được khá đa dạng nhiều góc nhìn cuộc sống thời gian qua đã thực sự tạo nên một luồng gió mới, mang lại sinh khí cho phim tài liệu, vốn được coi là thể loại khó xem ở Việt Nam.

 

Một cảnh trong phim “Nhọc nhằn than” của đạo diễn Lê Mỹ Cường. Ảnh: CTV

 

Đội ngũ làm phim trẻ này được “ra lò” từ các dự án đào tạo đạo diễn trẻ của Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) hay dự án của Doclab. Phần lớn còn đang là sinh viên năm thứ hai, thứ ba, thậm chí có người mới chỉ là học sinh phổ thông. Hoàn toàn tự túc trong quá trình học làm phim của mình, từ việc tự trang bị máy quay, lên đề tài, thực hiện và dựng phim, các đạo diễn trẻ đã cho ra đời những thước phim tài liệu rất chân thực và gần gũi, dễ xem. Theo đánh giá của nhiều người trong giới, các đạo diễn trẻ đã thực sự chứng minh được khả năng tiếp cận với các đề tài cuộc sống và đã thể hiện được một góc nhìn rất “trẻ” nhưng sâu sắc. Đó cũng là điều còn thiếu và yếu trong thể loại phim tài liệu nói chung ở Việt Nam hiện nay.


Cho tới nay, phim tài liệu Việt Nam chưa thực sự đến gần với công chúng vì nhìn chung các phim còn khuôn sáo và mang nặng mục đích tuyên truyền. Với các bộ phim tự làm của các nhà làm phim tài liệu trẻ, tuy còn một chút non nớt, ngây ngô, nhưng đề tài và cách thể hiện đã thực sự chinh phục được khán giả. Đi sâu vào những đề tài nằm ngay trong đời sống thường ngày, là những góc khuất ít ai để ý đến, các bộ phim như: “Nhọc nhằn than” (đạo diễn Lê Mỹ Cường), “Tình già” (đạo diễn Đỗ Thanh Hà), “Động lực sống” (đạo diễn Chu Việt Nga)… đã sớm khẳng định được sự thành công ngay khi mới “xuất xưởng”. Các bộ phim này đã đoạt được giải nhì cuộc thi “Làm phim 48h” và nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh Việt nam.


Thành công của các bộ phim còn ở chỗ các nhà làm phim trẻ đã tận dụng tối đa sức mạnh hình ảnh và lời kể của nhận vật mà không sử dụng lời bình. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với khuôn mẫu trước đó của phim tài liệu Việt Nam. Tất cả toát lên qua những khuôn hình và lời kể của nhân vật, khán giả đã không ít lần phải rớt nước mắt trước hoàn cảnh bế tắc, đáng thương của cặp vợ chồng già nơi xóm nổi sông Hồng (phim “Tình già”- đạo diễn Đỗ Thanh Hà) hay phải bật cười trước những tình huống rất thực như cuộc đối thoại giữa hai ông cháu trong phim “Ông nội” (đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh)…


Đánh giá về các nhà làm phim trẻ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: “Học làm phim tài liệu đòi hỏi phải trải nghiệm rất nhiều, nó sẽ là thử thách đầu tiên và cần thiết nhất với những ai bắt đầu học làm phim”. Tuy nhiên chính những cái khó khăn, xông pha đó tạo nên bản lĩnh cho các nhà làm phim trẻ, họ sẵn sàng đi theo đề tài của mình đến cùng, cũng có lúc phải “ăn chực nằm chờ”, cũng có lúc phải “đi đêm về hôm” và càng không dễ dàng đối với các đạo diễn nữ. Chu Việt Nga (đạo diễn phim “Động lực sống”) chia sẻ: “ Nhân vật Tạ Duy Anh trong bộ phim của mình là một người tàn tật, nói rất khó nghe và sống thu mình. Phải vất vả lắm mới tiếp cận được với gia đình của anh để xin được quay phim, rồi không có máy quay phải dùng bằng máy ảnh cá nhân. Trong suốt quá trình làm phim, ngày nào cũng phải theo sát nhân vật từ 5giờ sáng đến 11giờ đêm, khi biết chuyện bố mẹ mình đã định không cho làm nữa, nhưng vì quyết tâm, mình đã theo đuổi đến cùng và cho ra đời bộ phim này”.


Trong buổi trình chiếu 14 bộ phim tài liệu của các đạo diễn trẻ tại Liên hoan phim tài liệu Việt Nam-châu Âu lần thứ 4, đạo diễn Trần Văn Thủy đã phải thốt lên: “Chưa bao giờ phim tài liệu Việt Nam làm thật đến như thế này”. Đây có lẽ là sự đánh giá chính xác nhất với những đóng góp của các nhà làm phim trẻ này.

Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN