Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2012: Đã có nhiều cái mới

Trước khi bước vào liên hoan, ngay cả nhà tổ chức cũng không “dám” đặt nhiều kỳ vọng vào chất lượng, vào việc qua liên hoan có thể tạo ra được những cú hích cho sân khấu. Nhưng liên hoan đã thành công ngoài mong đợi, khi các đơn vị phần lớn đã thoát được khỏi tư duy dựng vở chỉ để tham dự liên hoan, đã đem đến sân chơi lớn này những vở diễn từng được thử thách của khán giả hoặc những vở diễn dựng với mục tiêu thu hút được công chúng. Chính vì thế, qua liên hoan, nhà tổ chức đã có được nét phác thảo khá chính xác vấn đề của sân khấu, khơi gợi được nhiều ý tưởng để có thể điều chỉnh cung cách quản lý.

 

Một cảnh trong vở “Khoảng trống” tham dự liên hoan.

 

Điều dễ nhận thấy là trong bối cảnh chung, khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các đơn vị nghệ thuật cũng phải vật vã kiếm tìm con đường tồn tại cho mình. Đáng mừng là trong tổng số các đoàn tham gia liên hoan, đã có tới phân nửa là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, đặc biệt là các đơn vị xã hội hóa ở phía Bắc. Nếu xã hội hóa ở phía Nam là phương thức đã được khẳng định, thì sự góp mặt của các tác phẩm do phương thức xã hội hóa phía Bắc mang đến, thực sự là tín hiệu vui. Dù rằng, như NSƯT Kim Oanh cho biết, sự đầu tư của chị là do niềm đam mê cá nhân, một cách “chơi” đầy chất nghệ sĩ nên chưa có kế hoạch tiếp tục trong tương lai. Dẫu rằng, sân khấu xã hội hóa ở miền Bắc còn mang đậm tính tự phát, tùy hứng của các cá nhân nghệ sĩ, nhưng chắc chắn, nó đã đem lại màu sắc, phong vị riêng cho không khí nghề nghiệp vốn trầm lắng ở miền Bắc.


Các vở diễn ở liên hoan khá đa dạng sắc màu, bằng nhiều cách đã đề cập những vấn đề đã và đang được xã hội, công luận quan tâm. Có những vở diễn đã đề cập đến những sự kiện lớn, phản ánh trực diện những vấn đề cả xã hội đang nhức nhối với góc nhìn mạnh dạn, quyết liệt, dám đi đến cùng. Đó là sự tha hóa phẩm chất cán bộ, là công tác tổ chức cán bộ, là tinh thần chịu trách nhiệm tương ứng với chức vụ được giao… Nếu như trước đây, vở “Bạch đàn liễu” mới chỉ xây dựng nhân vật cấp xã là nhân vật tiêu cực, hay vang dội nhất như “Nhân danh công lý” thì cũng chỉ là vợ một vị bộ trưởng, thì nay sân khấu đã có những nhân vật phản diện là trưởng ban cán bộ một tỉnh, phó chủ tịch tỉnh với những sự kiện có ý nghĩa sống còn đối với cả một tỉnh. Có thể thấy một không khí khác qua liên hoan, khi các tác phẩm đã phản ánh một cách thẳng thắn, đầy trách nhiệm công dân với những vấn nạn đặt ra trong xã hội.


Bên cạnh đó là những vở có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những thân phận con người dung dị, bé nhỏ, mà qua đó, hiển hiện những triết lý tốt đẹp về lẽ sống, lẽ đời, tình người trong xã hội hiện đại.


Một điều vui mừng lớn của giới làm nghề chính là trong liên hoan này đã xuất hiện những đạo diễn mới. “Mới” chứ không phải “trẻ” vì họ đều là những nghệ sĩ thành danh ở lĩnh vực diễn viên trước khi xuất hiện với vai trò đạo diễn. Theo GS. TS. NSND Đình Quang thì “những đạo diễn này tay nghề không thua kém đàn anh bao nhiêu vì họ là người có học, có quá trình trải nghiệm nên những hiểu biết của họ về thực tế hoạt động, về kiến thức sân khấu rất cao, có thể là còn hơn các thế hệ đạo diễn lứa tuổi ông khi mới bắt đầu với nghề nghiệp này”. Tuy nhiên, nếu khẳng định về sự chuyển giao thế hệ đạo diễn ở Việt Nam qua kỳ liên hoan này còn là quá sớm. Đã có hiện tượng đạo diễn là Xuân Hồng với “Âm binh”, nhưng nếu rạch ròi và chính xác thì xử lý đưa họa sĩ thành nhân vật kể chuyện bằng tranh cát, rất động và rất đẹp… không phải là sáng tạo của cá nhân anh mà là một công trình tập thể với trí tuệ của nhiều người. Hay Anh Tú, dù đã tương đối định hình phong cách, nhưng vẫn chưa có được một sự bứt phá thật ngoạn mục, thật thuyết phục…


Nhưng dù sao, vẫn còn có những điều cần được giải quyết về mặt chất lượng nghệ thuật được đặt ra qua liên hoan. Đó là những lệch lạc cần chấn chỉnh như do yêu cầu cần hấp dẫn, thu hút công chúng, đã có những đơn vị nghệ thuật tìm đến sự hấp dẫn chưa thật lành mạnh. Nếu thu hút bằng xung đột, bằng trí tuệ, bằng tư tưởng còn là yêu cầu quá cao thì họ đã tìm đến những hình thức đáp ứng nhu cầu giải trí còn thấp, thiên về sự chiều chuộng con mắt đôi tai khán giả một cách tự nhiên chủ nghĩa. Hay vấn đề tình dục, nhu cầu muôn thuở của con người cũng được sân khấu tìm đến, như yếu tố hấp dẫn, chỉ tiếc cách xử lý sân khấu còn chưa được nghệ thuật khi sa đà vào miêu tả, vào tự nhiên chủ nghĩa như một cứu cánh, như một cách “hiện đại hóa” nghệ thuật sân khấu. Không nên né tránh, nhưng nghệ thuật phải là cái đẹp thanh tao, cái đẹp của sự gợi tả chứ không mô tả…


Những nét sơ lược trên đây chỉ là phác thảo nhanh một liên hoan có số lượng tác phẩm kỷ lục, thời gian kéo dài kỷ lục và nhiều vấn đề được các phương tiện thông tin khai thác cũng… rất mạnh mẽ. Mong rằng, những vấn đề được nhận thấy qua liên hoan được các nhà quản lý chú ý đúc rút, giải quyết rốt ráo để sân khấu kịch nói phía Bắc thoát khỏi căn bệnh trầm kha thưa vắng khán giả và sân khấu phía Nam được hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong hoạt động theo phương thức xã hội hóa.


Bài và ảnh: Cao Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN