(Tin tức) - Ở độ tuổi 87 (sinh năm 1923), cụ Nguyễn Phú Đẹ (ảnh), quê ở thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) – hiện là một trong những nghệ nhân “nguyên bản” hiếm hoi của bộ môn nghệ thuật ca trù Việt Nam. Cụ Đẹ đang nắm giữ nhiều làn điệu cổ. Tên tuổi của cụ còn gắn với danh tiếng “cây đàn đáy số 1” của nước ta. Với nhiều đóng góp trong bảo tồn nghệ thuật dân tộc, ngày 3/2/2010, cụ đã được tặng Giải thưởng Đào Tấn.
Hồn cốt của ca trù đã thấm đẫm trong dòng máu gia đình cụ Đẹ từ nhiều đời nay. Bởi xã Dân Chủ quê cụ là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù. Cụ Đẹ kể rằng, ông bà thân sinh ra cụ đã từng được vào kinh thành Huế biểu diễn ca trù. Do vậy, từ thuở bé, những tiếng phách, điệu đàn sâu lắng, thanh tao của ca trù đã chứa chan trong tâm hồn tuổi thơ cậu bé Nguyễn Phú Đẹ. 15 tuổi, Nguyễn Phú Đẹ đã được ông nội Nguyễn Phú Tằng và cha là Nguyễn Phú Quỳnh truyền cho những ngón nghề về cách chơi đàn đáy. Cậu bé Đẹ đã tiếp thu, lĩnh hội rất nhanh, từ học cơ bản, cung bậc thang âm, đến tiếp cận những kỹ thuật khó như nhấn, chùng, rung, vẩy, chụp; cảm thụ từ tiếng tom, chát, âm điệu réo rắt của đàn đáy, trống chầu. Với tài năng thiên phú, cậu bé Đẹ đã biết hòa âm hưởng tuyệt kỹ của tiếng đàn đáy điệu nghệ với lời ca theo cung bậc, quyện lẫn với các nhạc cụ khác.
Cụ Đẹ nhớ lại quãng thời gian những năm 30, 40 (thế kỷ XX), cụ đã theo gánh hát đi biểu diễn nhiều nơi trong, ngoài tỉnh. Thời kỳ đó tên tuổi của cụ đã được nhiều người biết đến. Nhưng rồi do những biến cố của lịch sử, ca trù bị mai một, lắng chìm. Bản thân cụ cũng tạm thời phải treo cây đàn đáy lên góc tường.
Từ năm 1990 đến nay, khi ca trù bước đầu được quan tâm bảo tồn, khôi phục, cụ Đẹ liên tục tham gia biểu diễn tại nhiều liên hoan hát ca trù toàn quốc. Năm 2005, cụ đã giành Huy chương Vàng “Liên hoan ca trù toàn quốc” và năm 2006, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng là Nghệ nhân dân gian.
Ngắm nhìn cụ Đẹ khoan thai biểu diễn đàn đáy, nhấn nhả ngân nga trầm bổng từng lời ca mới thấy hết sự đắm say hồn người của ca trù. Trên chiếu ca trù, đôi tay cụ Đẹ uyển chuyển trên từng phím đàn. Trong không gian như tĩnh lặng, tiếng đàn “hàng huê” thánh thót của cụ được quyện lẫn cùng nhịp phách, lời ca luyến láy của đào nương Phạm Thị Huệ - một học trò giỏi của cụ, tạo nên bản sắc riêng biệt. Người nghe bị cuốn hút bởi những âm thanh trầm đục sâu lắng của tiếng đàn khi kết hợp với giọng đào nương trong sáng và sự chộn rộn róc giòn của phách, sự đan tỉa “tom chát” của trống chầu. Đặc biệt hơn, cụ Đẹ còn là kép đàn duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình.
Rất tâm huyết và nhiệt tình, cụ Đẹ đã tích cực truyền nghề cho con cháu, níu giữ “báu vật” của cha ông. Đến nay, dù đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hình ảnh ông lão gầy gò, cao cao, mái tóc bạc phơ, đeo kính trắng vẫn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng ngón tay, giúp học trò biết dùng kỹ năng tạo ra âm hưởng của tiếng đàn, giọng hát... đã làm xúc động bao người. Cụ dốc lòng chỉ bảo, hướng dẫn cho những người có tâm, có năng khiếu, muốn tìm đến nghệ thuật ca trù, trong đó có học trò của các câu lạc bộ ca trù tỉnh Hải Dương và các địa phương khác. Tại quê hương, với sự tận tâm và cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ của cụ Đẹ, các em học sinh trong Câu lạc bộ hát ca trù của Trường THCS Dân Chủ đã hát được nhiều làn điệu, đặc biệt, có một số em đã giành được giải thưởng trong các kỳ hội diễn, liên hoan ca trù. Trong đó có em Nguyễn Thị Duyên đã giành Huy chương Bạc liên hoan ca trù toàn quốc.
Mong muốn duy nhất của cụ Đẹ lúc này là các ngành chức năng phải tìm mọi cách để lưu giữ lấy hồn cốt của ca trù. Cụ rất trăn trở trước sự mai một của ca trù. Cụ mong muốn, Nhà nước nên có một địa điểm đào tạo chuyên biệt về ca trù. Trong môi trường này, người nghệ nhân sẽ có điều kiện truyền thụ lại vốn cổ cho lớp trẻ.
Bài và ảnh: Trần Tiến Duẩn