Đối diện với Quốc Trọng (ảnh), dù muốn dù không, nếu ai đã một lần xem phim “Số đỏ” đều nhận ra anh chính là người thủ vai Xuân tóc đỏ, mặc dù từ đó đến nay đã mấy chục năm trôi qua.
Quốc Trọng bây giờ đã đầu hai thứ tóc, khuôn mặt có nhiều nếp nhăn tuổi tác, nhưng dường như, thần thái của chàng Xuân tóc đỏ vẫn hiện lên trên gương mặt anh, tạo cho anh một nét cười, giọng nói không hề đổi thay theo năm tháng.
Kể lại câu chuyện vào vai diễn Xuân tóc đỏ, Quốc Trọng cho biết: “Việc được làm Xuân tóc đỏ thực ra đến với tôi như định mệnh. Khi làm phim “Số đỏ”, cụ Hứa Văn Định và đạo diễn Hà Văn Trọng đã rất khó khăn khi tuyển diễn viên cho vai này. Lúc ấy, trong bụng tôi rất "thèm" nhưng vẫn chưa dám nói ra.
Đến lúc cuối, thấy cả hai người cùng băn khoăn quá, tôi bèn liều: "Cháu đóng có khi còn hay hơn....". Cụ Định lúc ấy mới quay lại, nhìn tôi chăm chú: "Ờ nhỉ, ta quên mất, chú mày còn là diễn viên cơ đấy!". Thế là thử vai. Thế là được diễn.
Nói thực, khi đạo diễn và biên kịch đồng ý "cho" tôi vai ấy rồi, tôi còn chưa tin ở tai mình. Ngay sau đó là hơn một tháng trời tôi vào thư viện tìm tài liệu, đọc mọi bài viết của cụ Vũ Trọng Phụng để nắm bắt, hình dung tính trào lộng cũng như không khí, hơi thở, cách ăn nói, đối thoại với nhau thời kỳ đó...”.
Một nhà báo thế hệ đàn anh thời đó, khi viết về phim “Số đỏ” và diễn viên Quốc Trọng đã giật tít: “Xuân tóc đỏ đã “khai tử” Trần Quốc Trọng”. Nói ra có vẻ hơi quá, song quả thực ở thời điểm ấy, với vai Xuân Tóc đỏ, tên tuổi của Quốc Trọng đã đóng đinh với phim “Số đỏ” như một định mệnh khó thay đổi. Nếu không phải là Quốc Trọng, chưa chắc đã có một nhân vật “điển hình” có thể phù hợp với bộ phim đến vậy.
Vào vai Xuân tóc đỏ, Quốc Trọng đã làm người ta quên đi những vai diễn anh đã tham gia trước đó trong các phim nổi tiếng như “Chuyến xe bão táp”, “Thị xã trong tầm tay”, “Những ngày mưa cuối năm”, “Câu chuyện làng dừa”, “Hoa ban đỏ”... và dường như, cũng kết thúc “nhiệm vụ” làm diễn viên của một nghệ sĩ đã đam mê theo đuổi nghiệp diễn cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh khóa 1 vang bóng một thời trong nền điện ảnh nước nhà. Bởi vì cũng sau vai Xuân tóc đỏ, Quốc Trọng đã hướng tới một con đường khác: Làm đạo diễn.
Quốc Trọng bảo rằng, anh không may mắn như nhiều anh chị em diễn viên, đạo diễn cùng thời vì có được một nền tảng nghệ thuật theo kiểu “cha truyền con nối”. Dẫu đó là một sự nối tiếp tuyệt vời để có thể tạo nên được những nhân cách, những người làm nghề, thậm chí là những thiên tài trong điện ảnh. Anh đã phải tự đi bằng chính vốn sống ít ỏi thậm chí là “số không” về nghề, tự mày mò, học thầy, học bạn để có thể có một chỗ đứng trong làng điện ảnh ngày hôm nay.
Tuy nhiên, để đến được với nghề, điều mà anh luôn ghi khắc trong thời điểm cần quyết định có hay không nên học Trường Sân khấu Điện ảnh chính là lời khuyên của cha mình. Ông đã nói: “Con đi cũng được, mà không đi cũng chả sao, tùy con thôi, nếu tiếc thì bố chỉ tiếc công lặn lội làm hồ sơ, giấy tờ cho con quá vất vả. Nhưng nghề nghiệp của con là do con chọn lựa!”.
Vậy là, đang yên vị với những đồng lương dẫu ít ỏi trong thời buổi khó khăn khi vừa làm vừa học nghề sửa chữa gầm ôtô ở Xí nghiệp Cơ khí Hà Nội, Quốc Trọng chỉnh tề mũ áo, mang giấy tờ đến nhập học khóa 1 lớp diễn viên điện ảnh, khi chỉ còn một ngày nữa là hết hạn nhà trường nhận hồ sơ.
Trong thời điểm phim Việt được dành một thời lượng phát sóng ở giờ vàng khá lớn, thì những bộ phim neo lại được trong lòng người lại chính là những phim do Quốc Trọng đạo diễn như “Đường đời”, “Hương đất”, “Mùa lá rụng”, “Gió mùa thổi mãi”, “Ngõ lỗ thủng”, “Bí thư tỉnh ủy”... Có người cho rằng, một trong những thuận lợi của anh vì anh là người của “nhà đài”, nhưng không phải vậy, đó là những bộ phim mà Quốc Trọng cùng tập thể Đoàn làm phim đã thực sự sống cùng nhân vật, cùng thời cuộc.
Hơn nữa, đó là những tác phẩm được chuyển thể từ các tác phẩm văn học của các nhà văn đã sống qua các thời kỳ khó khăn của dân tộc nên vốn sống ngồn ngộn trong các tác phẩm đã chuyển tải được nhiều điều có ý nghĩa.
Điển hình như bộ phim “Ngõ lỗ thủng” (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh) nói về thời bao cấp, cái thời của tem phiếu mà anh là một người trong cuộc. Quốc Trọng say mê với đề tài này như là cách anh sống lại những ký ức tuổi thơ của chính mình, bởi vì anh đã trải qua thời kỳ đó. Động chạm đến mỗi chi tiết, mỗi bối cảnh khi làm phim là ngay lập tức trong đầu anh như được phục hiện một cách đầy sống động. Anh từng phải tỉ mẩn đi lùng mua rồi thuê lại từng cái áo, cái bát, cái đũa thời đó. Riêng cảnh chợ giời, anh phải đi ba tỉnh chọn khu đất và mượn đồ tái hiện. Anh bảo, đi mượn đồ cho quán café đã chết huống hồ đây lại cho một cái chợ giời.
Thế mà Quốc Trọng làm được, làm một cách đầy công tâm và mê đắm, anh đã chuyển tải được tới khán giả một cách trọn vẹn những ý tưởng của mình, của một tập thể làm phim tới người xem, mang lại cho họ những cảm giác khác nhau về một thời, một thế hệ đã sống.
Đạo diễn Quốc Trọng là người ít thổ lộ mình trên báo chí, lại càng không phải là típ nghệ sĩ cố tạo ra scandal để được nổi tiếng bằng cách này hay cách khác. Cuộc sống của anh được giấu kín sau vỏ bọc của một con người chát chúa, đôi khi lạnh lùng và hơi kiêu ngạo với những người quanh mình. Nhiều người trong nghề làm việc với anh thường nói đùa với nhau rằng anh khó tính hơn cả... mẹ chồng! Cũng bởi Quốc Trọng là người trọng nghề, yêu nghề và làm nghề một cách nghiêm túc.
Đối với anh, để có được sự thành công của ngày hôm nay, ngoài những duyên may, là cả một quãng thời gian dài anh bươn chải với cuộc sống, để có thể cân bằng giữa cái được và cái mất, giữa công việc và gia đình, giữa cơm áo gạo tiền và nghệ thuật đích thực. Mặc dù, trong thời buổi kinh tế khó khăn, đã có lúc anh hoài nghi cái sự đeo đuổi của mình với thánh đường nghệ thuật hào nhoáng ở chân trời phía trước, nhưng hình như chưa một ngày nào anh dừng bước.
Có thời điểm, ngày đi đóng phim, đêm đến anh đi làm thêm đủ nghề, từ làm thợ tiện đến thợ hàn, bốc vác... nhưng những điều đó, hóa ra lại là một môi trường thực tế rất hữu ích, một cách học việc có tiền, để khi vào bất cứ vai diễn nào anh đều nói được và làm được.
Giờ đây, chàng Xuân tóc đỏ ngày nào đã có một vị trí nhất định trong Điện ảnh Việt Nam, không chỉ bởi những giải thưởng mà anh đã giành được trong các kỳ liên hoan, không chỉ bởi hàng trăm tập phim hay anh đã cống hiến cho khán giả, mà bởi anh thực sự có được sự đồng cảm nghề nghiệp của những người làm nghề. Phim của anh có cái để xem, để bàn, để chiêm nghiệm.
Nhiều người chưa hiểu Quốc Trọng, trong một vài trường hợp luôn nghĩ rằng anh hơi “chảnh” nhưng khi đã ngồi cùng anh, mới hiểu rằng Quốc Trọng bao giờ cũng sống chân tình và luôn hết mình vì bè bạn. Anh cũng thực sự đắm đuối với nghề và với văn chương, anh mê nhà văn Erich Maria Remarque và ngưỡng mộ nhà văn Hermann Hesse. Anh mê đến nỗi đã lấy tựa đề cuốn sách “Sói đồng hoang” để đặt tên cho mọi sự liên hệ của mình, từ địa chỉ email, blog cá nhân, nick chat.
Anh bảo rằng, đó là cách anh tự làm cho cuộc sống của mình trở nên thi vị bởi những những câu chuyện luôn đưa anh trở về với những sự chiêm nghiệm giản dị nhưng hết sức thú vị và khiến anh cảm thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.
Nhất Huy