Chính sách cho nghệ nhân dân gian: chờ đến bao giờ?

Nghệ nhân dân gian đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không có họ thì chắc chắn dân ca ví phường vải sẽ không được bảo lưu đến ngày nay và cũng như sẽ không có thầy để truyền dạy lại cho lớp trẻ.

"Chúng tôi có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị mà các nghệ nhân truyền lại. Còn việc làm sao để có một cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ hoạt động, tôi nghĩ UBND tỉnh Nghệ An cần vào cuộc”- Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ đề nghị.

Nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư (85 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh: baonghean.vn


Năm 2009, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 11 người trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhưng từ đó tới nay, họ chỉ có “danh hiệu” mang tính tôn vinh chứ chưa hề có một chính sách cụ thể nào.

Bà Trần Thị Em năm nay đã 94 tuổi, bà là một trong số ít các nghệ nhân dân gian còn lưu giữ được rất nhiều bài hát ví phường vải cổ. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, song với bà mỗi lần được hát, được truyền dạy hay làm tư liệu sống cho các nhà nghiên cứu, cho những thước phim sống động để lữu giữ lại cho mai sau, bà rất phấn khởi.

“Danh hiệu đối với tôi rất quý. Nó như là động lực để tôi luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy lại cho thế hệ sau. Tôi rất sợ nếu mai này không còn trên thế gian này thì lớp trẻ cũng đừng quay lưng lại với vốn quý của cha ông. Còn về chế độ , từ khi có danh hiệu tới nay tôi chưa có được trợ cấp gì từ Nhà nước cũng như chính quyền địa phương cả. Đôi lúc cũng thấy buồn. Song không vì thế mà ngọn lửa đam mê với vốn quý của dân tộc bị mai một”, bà Em bày tỏ.

Còn với nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư (85 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết: Câu lạc bộ hát ví phường vải có 10 hội viên, trong đó đã có 6 nghệ nhân dân gian (một nghệ nhân đã mất). Câu lạc bộ hoạt động rất cầm chừng, một năm chỉ có vài lần sinh hoạt trong những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, các ngày lễ lớn, người cao tuổi.

Trước kia, câu lạc bộ hoạt động rất sôi nổi, nhưng dần dần yếu tố đô thị hóa tác động, lớp trẻ không còn say mê dòng nhạc cổ, còn người có tuổi cũng dần dần yếu đi nên không còn tham gia được nữa. Một mặt, kinh phí dành cho Câu lạc bộ hoạt động không có, hầu hết họ hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Những buổi câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, các cụ lại nấu ấm nước chè xanh, đĩa trầu vừa bàn luận vừa ca hát, vừa truyền dạy lại cho lớp trẻ. Họ không màng đến thù lao. Khi có đoàn về quay phim, tìm hiểu hay có đoàn làm công tác nghiên cứu, các cụ lại hăng hái góp sức, tái diễn môi trường diễn xướng cho đến 11-12 giờ đêm. Sau mỗi lần phối hợp công tác, huyện trích một phần kinh phí bồi dưỡng cho các nghệ nhân theo chế độ cộng tác viên.

“Việc trả chế độ cho các nghệ nhân chỉ khi các nghệ nhân có sự phối hợp cộng tác với các đoàn nghiên cứu hay tham gia hội diễn của huyện trong các sự kiện văn hoá lớn chứ không phải là chế độ chi trả thường xuyên mà các nghệ nhân được nhận. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho các nghệ nhân bởi sự đóng góp của họ thì rất lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hoá của dân tộc mà chưa được đáp trả xứng đáng”, ông Phan Văn Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Nam Đàn cho biết.

Hầu hết, các nghệ nhân trình diễn, truyền dạy theo niềm đam mê với lương tâm nghề nghiệp là chính chứ không ai sống được bằng nghề. Khi được hỏi cần có chính sách, các cụ cũng mong mỏi lắm, chỉ cần 50.000 hay 100.000/tháng, như thế các cụ cũng cảm thấy rất vui rồi. Dù chưa có thù lao nhưng các nghệ nhân các cụ vẫn hăng say tập luyện, truyền dạy. Nhưng nếu có một chút đãi ngộ, họ sẽ cảm thấy được trân trọng, được quan tâm, những đóng góp của họ được vinh danh, được ghi nhận cho cả nền văn hoá của dân tộc chứ không phải ngày một ngày hai ngắn ngủi. Huyện chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương. Trung ương thì đang bàn bạc để đưa ra chính sách. Trong lúc chờ đợi, các nghệ nhân dân gian ngày một già yếu đi, tuổi đã cao, sự cống hiến không còn được nhiều, người trẻ nhất là 60 tuổi và cao tuổi nhất là 94 tuổi.

Theo Phó Giáo sư Ninh Viết Giao, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An: Để khuyến khích, động viên các nghệ nhân dân gian, tỉnh cần chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra chính sách cho các nghệ nhân như đưa vào mục chi ngân sách thường xuyên hàng năm cho các câu lạc bộ, cho các nghệ nhân dân gian. Thực tế, nghệ nhân dân gian ở Nghệ An chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu như họ mất đi thì lấy đâu người gìn giữ và truyền dạy lại vốn văn hoá dân gian cho thế hệ sau, bởi vậy rất thiệt thòi cho các nghệ nhân.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân; khuyến khích các dự án bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị di sản phi vật thể do các nghệ nhân dân gian khởi xướng hoặc huy động các nhà tài trợ cùng góp tiền để các nghệ nhân dân gian mở các lớp truyền dạy và đầu tư kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ. Có như vậy các câu lạc bộ, các nghệ nhân dân gian mới đủ sức giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy mạch nguồn văn hóa cho thế hệ sau.


Bích Huệ
Nghệ nhân gần 30 năm gìn giữ nghệ thuật dân tộc
Nghệ nhân gần 30 năm gìn giữ nghệ thuật dân tộc

Nghệ nhân Kim Nghinh là người trẻ nhất và cũng là nhạc công duy nhất từ trước đến nay của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Gần 30 năm qua, anh đã âm thầm đem hết tài năng của mình cống hiến cho nền nghệ thuật của dân tộc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN