Uống chè là thú ẩm thực khởi đầu những câu chuyện tâm giao của người Việt. Nét văn hóa này không chỉ hấp dẫn nhiều người Việt mà còn thu hút cả người nước ngoài.
Nét văn hóa trong uống chè
Russ Redon, thầy giáo dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội hơn năm nay, nhận xét: Có một nét đặc trưng rất thú vị là đầu mỗi ngõ phố Hà Nội thường có một quán cóc bán nước chè. “Cạnh quán phở - món ăn tôi rất yêu thích - cũng đều có một quán nước chè, ai ăn xong cũng ra làm một chén nước chè nóng, chè tươi”, Russ Redon kể.
Một thói quen có lẽ thành nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam mà Russ Redon rất thích thú. Hằng ngày, người dân ven hồ Tây phía phường Bưởi thường gặp thầy giáo người Ôxtrâylia gần 70 tuổi này “bi bô” nói chuyện với các em nhỏ và uống chè tươi như người Việt. Có lẽ vì vậy, người dân quanh đó gọi ông với cái tên thân mật, “Ông Tây chè tươi”.
Hình ảnh quán nước chè xanh đã in sâu trong tâm khảm người Việt. |
Ông Đoàn Hùng Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chè cho biết: Việt Nam là một trong những quê hương của cây chè. Gần 50 năm gắn bó cuộc đời với cây chè, đi dự hội thảo, giao lưu nhiều lần với các chuyên gia nước ngoài về cây chè, ông Tiến luôn tự hào khoe với bạn bè quốc tế về chè tươi của Việt Nam.
Nói về văn hóa uống chè, ông Tiến cho rằng: Cách uống chè mạn của người Việt gần giống với Trung Quốc với bàn trà, chén tống, chén quân... nhưng uống chè tươi (có nhiều nơi gọi là chè xanh) là nét độc đáo chỉ riêng có duy nhất tại Việt Nam. Đây là thức uống cổ xưa và phổ biến của người Việt.
Trước kia, người dân ở nông thôn, thành thị đều dùng thức uống này. Vườn lấy lá làm chè tươi có vườn riêng, cây chè tươi được trồng tự nhiên, cao vút, sau đó bẻ cành chè đó, cả búp và lá già (màu vàng bánh tẻ).
Với những người hoài niệm, họ thường nhớ về các làng quê, nơi dưới những gốc đa đầu làng thường có những cái quán nhỏ với một cái chõng tre, có đặt sẵn một cái ấm đất lớn đựng nước chè tươi. Khách qua đường khát nước, ghé lại, uống bát nước chè tươi, ăn một củ khoai, một bắp ngô, hoặc một miếng kẹo lạc, cảm thấy thật thư thái.
Bát nước chè tươi, bóng đa đầu làng, đó là một phần trong hồn quê Việt. Một tục lệ khác, cũng rất phổ biến, là những gia đình nào làm nhà mới thường nấu nước chè tươi cho thợ uống. Và nay, nhiều khách sạn, resort lớn cũng giới thiệu hình ảnh quán nước chè tươi, củ khoai luộc, kẹo lạc... mang hình ảnh thuần Việt này.
Còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, ở Hà Nội nở rộ các quán trà đạo Nhật Bản, rồi quán trà Bát bảo, quán trà Tàu. Nhưng sau sự háo hức ban đầu với những thứ đồ uống “mác ngoại”, người ta lại trở về với chè tươi - hữu ích cho sức khỏe.
Ông Tiến cho biết: Những nghiên cứu về chè được công bố cho thấy, thành phần catechin có trong chè tươi có tác dụng giảm nguy cơ gây ung thư, tác dụng chống phóng xạ, diệt khuẩn, diệt virút cúm, chống hôi miệng... Chất cafein có trong chè tươi tác dụng chống buồn ngủ (chỉ khoảng 2-3 tiếng), giảm mệt mỏi và lợi tiểu. Trong chè có nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe nên có lẽ vì vậy mà người Anh uống chè nhiều gấp 3-4 lần người Việt.
Bản sắc “thưởng chè” mỗi miền
Theo nghiên cứu của ông Tiến, cách pha chè tươi mỗi vùng một khác. Theo sách hướng dẫn, lá chè tươi vò nhẹ rồi cho vào nồi nấu, sau đó thưởng thức bằng bát sành.
Nhưng thực tế ở Hà Nội, nhiều người thường cho chè vào ấm tích, rồi đổ nước nóng vào hãm, rót ra cốc nước xanh vàng. Có nhà còn cho vài lát gừng. Với nhiều người Hà Nội, chè tươi là thứ nước uống của gia đình và cũng là thứ uống bình dân ở các quán nước tại bến tàu, bến xe và bên vỉa hè… Chè tươi có thể mua dễ dàng ở chợ. Hàng ngày, người ta chở về đây từng bao tải chè tươi.
Còn tại vùng núi Bá Thước (Thanh Hóa), đồng bào Mường uống chè tươi theo kiểu chọn những lá chè già, có gai, lá giòn xanh bóng bỏ vào cối giã nát rồi hãm với nước sôi uống nóng.
Trong khi ở Nghệ An, người ta cho chè xanh vào nấu trong nồi, cuộn cành chè vào nồi đun 2-3 tiếng sau mời cả làng xóm khoảng 20 - 30 người đến uống, trò chuyện rồi ăn khoai lang luộc.
Vài nơi ở Hà Tĩnh, người ta hái cả cành chè gồm có ngọn chè và cả thân chè rồi bẻ nhỏ, vò nát bỏ vào nấu trong ấm đất. Người dân Huế lại chặt nhỏ cành lẫn thân chè phơi cho khô rồi đun nước uống dần. Từ nước cốt đầu tiên, người ta cứ pha thêm nước cho loãng dần và uống tiếp...
Theo ông Tiến, không ít lần, các lễ hội văn hóa chè được tổ chức ở nước ngoài để giới thiệu với thế giới kiểu uống chè mạn theo phong cách của Việt Nam, nhưng đến giờ, không ít người Việt vẫn mong được giới thiệu về văn hóa uống chè tươi “made in Việt Nam” với bạn bè 5 châu.
Xuân Cường