Cả cuộc đời giữ hồn cho cồng chiêng

Ông Đinh Đi, người dân tộc Bahnar ở làng Lợt thuộc xã Nghĩa An (huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai), năm nay gần 80 tuổi, đã có hơn 50 năm làm nghề chỉnh chiêng cho các dàn cồng chiêng của bà con dân tộc ở các buôn làng, giữ "hồn" bản sắc truyền thống của người Bahnar từ ngàn đời. Bà con đều kính trọng và tặng ông danh hiệu "Nghệ nhân chỉnh chiêng".

Năm 1955, chàng trai Đinh Đi 25 tuổi đã có ý thức phải giữ bằng được âm thanh cồng chiêng vốn có của dân tộc mình. Ông tìm gặp các già làng Đinh Sinh, Đinh Tik... ở tận huyện Đắk Đoa để học cách chỉnh chiêng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã biết cách chỉnh các bộ chiêng theo đúng âm thanh, từng chiếc khi gõ phải phát ra âm thanh trong và vang vọng khắp núi rừng. Tuy nhiên, do chiến tranh đang xảy ra nên ông chỉ có vài bộ chiêng trong nhà và một ít bộ chiêng trong làng còn sót lại để chỉnh sửa.

Già làng, nghệ nhân Đinh Đi đang chỉnh chiêng cho dân làng. Ảnh Trần Lê Lâm - TTXVN


Sau ngày giải phóng, người Bahnar ở các buôn làng trong huyện K'Bang không còn nhiều chiêng; chất lượng chiêng cũng bị giảm sút bởi hư hỏng nhiều, khó có thể sử dụng tốt trong các ngày lễ hội. Thực trạng này càng làm ông xót xa. Ông quyết tâm dành thời gian và công sức để chỉnh sửa chiêng cho dân làng. Những bộ chiêng cũ kỹ, hư hỏng khi được bàn tay khéo léo của ông trực tiếp chỉnh sửa, đã trở nên hoàn hảo, âm thanh phát ra chiếc nào cũng hay, thu hút được trai làng, gái làng với những điệu Xoang nhịp nhàng và uyển chuyển. Với chiếc búa nhỏ, một thanh sắt mỏng và sắc, cộng với đôi tai thính như con nai trong rừng, ông đã điều chỉnh được âm thanh của cồng chiêng theo ý muốn của mình. Có những bộ chiêng ông chỉnh sửa trong nhiều ngày liền mới xong. Ông cặm cụi chỉnh hết bộ này tới bộ khác và công việc cứ thế liên tục trong suốt mấy chục năm nay.

Ban đầu, ông nhận chỉnh sửa cồng chiêng cho bà con không lấy tiền, bởi đó là trách nhiệm và lòng tự hào của dân tộc mình. Dần về sau, bà con "thưởng" cho ông bởi công sức và thời gian bỏ ra khá nhiều và rồi họ trả công cho ông theo giá trị của từng bộ chiêng. Thế là công việc chỉnh chiêng của ông đã trở thành một nghề độc đáo. Tiếng lành đồn xa, nghề chỉnh chiêng của ông đã bay xa đến tận các buôn làng trong tỉnh và cả một số tỉnh lân cận như Kon Tum, Bình Định... Ở đâu bà con cần chỉnh chiêng để chuẩn bị cho ngày lễ hội thì dù có ở xa, ông cũng tìm đến giúp cho bằng được. Ông thường nói với mọi người rằng, hồn ông cũng chính là hồn của cồng chiêng vậy, hàng ngày mà không nghe được tiếng cồng chiêng coi như ngày đó là vô nghĩa đối với cuộc đời của ông.

Huyện K'Bang nơi ông sinh sống hiện nay còn lưu giữ được khoảng 1.000 bộ cồng chiêng, trong đó có đến 50 bộ chiêng cổ, mỗi bộ có giá trị từ 10 đến 12 triệu đồng. Trong cả huyện cũng chỉ còn lại 6 nghệ nhân chỉnh chiêng đã ngoài 60 tuổi, và điều đáng quan ngại là gần như không còn ai kế thừa công việc này. Đây cũng là vấn đề cần được lãnh đạo huyện K'Bang và ngành chức năng lưu tâm để sớm có giải pháp đào tạo lớp nghệ nhân kế thừa, giữ cho "hồn" người Bahnar sống mãi.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN