Acapella solo- trào lưu hiện nay của cộng đồng mạng?

Năm 2009, AC&M - nhóm nhạc được coi là “linh hồn của Acapella Việt” tuyên bố chia tay khán giả. Từ thời điểm đó, phong cách nhạc độc đáo này cũng bị lắng xuống. Song giữa năm 2011, một clip hát Acapella solo tự thu đặc sắc của một sinh viên trên Youtube đã thổi bùng trở lại “ngọn lửa” Acapella trong cộng đồng mạng.

Thực tế, trào lưu “đơn ca” Acapella của giới trẻ Việt Nam hiện nay, đã “sốt” trên thế giới cách đây 3 năm. Những nhạc phẩm nổi tiếng như: Yesterday, I’m yours, Bad romance… đều đã được thể hiện rất công phu và xuất sắc. Tuy nhiên, khi phát triển đến những kỹ thuật đỉnh cao, việc phân định thật giả là quá khó (nhất là chỉ qua việc nghe và xem video). Và khi một vài clip xuất sắc dính “nghi án hát nhép” là lúc phong trào Acapella solo tự thu trên thế giới bị thoái trào.

Mặc dù phong trào Acapella này có thể đến và đi nhanh chóng song không thể phủ nhận dấu ấn của nó trong lòng công chúng trẻ.
 

Acapella “Đường cong” của Đan Vi.

Ở Việt Nam, ban nhạc chuyên dòng Acapella AC&M khi mới xuất hiện và cho ra những tác phẩm dân ca Acapella thuần Việt như: Cò lả, Lý cây đa, Thằng bờm… Và AC&M đã gặt hái những thành công lớn khi gieo Acapella vào nhạc Việt. Tuy vậy, đến năm 2009, nhóm phải nói lời chia tay do những nguyên nhân nội bộ. Vì sự đòi hỏi khắt khe về trình độ nên sau khi AC&M tan rã, Acapella Việt không còn người “giữ lửa”.

Đến năm 2011, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, quá trình đại chúng hóa việc sáng tạo và tiếp nhận dòng nhạc lâu đời và khó hát bậc nhất thế giới ở Việt Nam trở lên sôi nổi bất ngờ.

Clip Acapella solo tự thu vốn được coi là nguồn cơn của trào lưu đang “sốt xình xịch” hiện nay là của Đan Vi, một nữ sinh viên năm thứ nhất tại TP.HCM. Trong clip hơn 1 phút, cô “ca sỹ” có gương mặt khả ái này đã thể hiện bài hát “Đường cong” của nhạc sỹ trẻ Nguyễn Hải Phong với nhiều bè. Điều thú vị là lúc cao điểm Vi đã hát năm bè khác nhau cùng một lúc “đúng chất” Acapella với: Bass, snare, hi hat, kich và lead. Thành công trong việc làm lạ một ca khúc quen đã gắn liền tên tuổi của những ca sỹ nổi tiếng như: Thu Minh, Uyên Linh, khiến clip “Đường cong phiên bản Acapella” của Đan Vi trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng. Trong một thời gian ngắn, clip đã thu hút hơn 70.000 lượt xem, và hàng trăm lời bình luận. Sau Mai Quốc Việt (chàng trai hát giả giọng 13 ca sỹ), Đan Vi là người tiếp theo của hiện tượng “sau một đêm trở thành nổi tiếng”.

Ngay lập tức, “cơn sóng Acapella” dâng tràn khắp cộng đồng mạng. Trên những website, những Forum rồi Facebook cá nhân lần lượt xuất hiện những clip Acapella solo của các bạn trẻ. Với những clip tự thu đặc sắc, cùng nhiều bài hát nổi tiếng ở các thể loại như: Trống cơm, Ngẫu nhiên, Hi, What’ve I been, I’m yours, Bad romance… được các bạn trẻ thể hiện đã biến hiện tượng Đan Vi trở thành một trào lưu sôi nổi.

Những “bí kíp” để có một bản thu Acapella “hand made” hoàn chỉnh bắt đầu được post rầm rộ. Minh Nghĩa (sinh viên năm thứ 2, Học viện Hành chính Quốc gia Hà Nội), một người sở hữu gần chục “đứa con tinh thần” dòng Acapella chia sẻ: “Những thiết bị cơ bản các “giọng ca” cần tương đối đơn giản: webcame, headphone (nên dùng loại nhỏ để khi thu để âm ở tai nghe khỏi lọt vào mic), phần mềm chuyên dụng phổ biến nhất là Mix Box. Nếu muốn bản thu chất lượng hơn cần phòng thu có mic, tai nghe, lọc âm chuyên dụng. Theo kinh nghiệm, khi sáng tạo, không nên bị gò bó rập khuôn với bè trầm, bè cao… mà hãy tìm mọi cách để âm thanh phát ra hài hòa với nhịp điệu bài hát. Nhiều khi, việc cầm túi ni lông vo vo trước míc cũng tạo hiệu ứng bất ngờ.”

Phần mềm Mix Box cũng rất dễ để tìm kiếm, download và cài đặt. Sau khi thực hiện xong hết các thao tác cài đặt, người dùng chỉ cần đăng ký một tài khoản là có thể bắt đầu thỏa sức sáng tạo những bản Acapella của riêng mình. Trong Mix Box hiện có 30 bản nhạc các thể loại để người dùng có thể hát ngay. Còn nếu người dùng thích bài hát nào thì tự up ca khúc đó lên rồi hát.

Các “ca sỹ” thường hát bốn lần với bốn bè khác nhau trên một nền nhạc rồi khớp lại thành một bản Acapella hoàn chỉnh. Tùy khả năng và năng lực sáng tạo mà các bài Acapella tự tạo muôn hình muôn vẻ. Người thì bốn bản chỉ có tặc lưỡi, vỗ tay, huýt sáo, hát; người lại hát đủ các bè tenor, bass, barritone, lead; thậm chí, có người dùng cả beatbox (nghệ thuật sử dụng miệng, giọng để mô phỏng âm thanh của bộ gõ). Đây là một kỹ thuật rất khó và độc đáo trong thanh nhạc.

Phạm Mỹ

Acapella là danh từ tiếng Italia chỉ lối hát không nhạc đệm, hoặc có chăng chỉ là bộ đệm mộc đơn giản. Với đặc tính dùng giọng hát tự nhiên của con người để thay mọi nhạc cụ, Acapella là một trong những dòng nhạc khó hát nhất trên thế giới. Loại hình này có từ thời trung cổ, được dùng trong các hoạt động tôn giáo của người Do Thái, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Sang thế kỷ XX, giữa vô vàn dòng nhạc, Acapella vẫn có chỗ đứng vững chắc với sự xuất hiện của những ca sỹ, nhóm nhạc lừng danh như: Petra Haden, Whintey Houston, Mariah Carey, Rockapella, Van Canto, Wise Guys, The Swingle Singers…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN