Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ồ ạt đua nhau lập dự án trồng rừng, thế nhưng, thực chất qua kiểm tra, trồng rừng thì ít mà tận thu lâm sản, sang nhượng, mua bán, chiếm giữ đất rừng là chính, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
T ỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương cho phép 41 doanh nghiệp, với 41 dự án được khảo sát trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng...với tổng diện tích thuê đất trên 35.832 ha, tập trung chủ yếu ở rừng, đất lâm nghiệp của các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Năng, Lắk...
Thế nhưng, từ 2005 đến nay, các doanh nghiệp chỉ mới trồng trên 6.819 ha rừng kinh tế, trong đó, năm 2009, trồng 4.685 ha, năm 2010 trồng mới 2.134 ha. Ngay tại huyện Ea Súp, nơi có 14 doanh nghiệp đăng ký thuê đất trồng mới 8.337 ha rừng nhưng đến nay vẫn chưa có dự án trồng rừng nào của các doanh nghiệp được khởi động mà chủ yếu chuyển sang trồng cao su. Không riêng gì ở huyện Ea Súp mà các địa phương khác như Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Kar, Ea H’Leo các dự án trồng rừng của các doanh nghiệp cũng chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, việc khai hoang, tận thu gỗ trong vùng dự án các doanh nghiệp đã tiến hành nhanh, gọn, cơ bản “hoàn thành”. Chỉ tính riêng tại huyện Ea Súp, theo Hạt kiểm lâm huyện, các doanh nghiệp đã tận thu trong vùng dự án lên đến gần 700 mét khối, trong đó, doanh nghiệp Tân Đại Thắng tận thu được 310 mét khối gỗ, Hoàng Gia Phát tận thu 260 mét khối gỗ các loại...Chất lượng rừng giao cho các doanh nghiệp khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ cũng ngày càng suy giảm hơn nhiều so với trước khi chưa giao cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, từ khi các doanh nghiệp đổ xô vào làm các dự án khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng đã khiến an ninh rừng trên địa bàn thật sự báo động, trở thành điểm nóng về phá rừng của tỉnh Đắk Lắk. Chỉ trong vòng 7 tháng năm 2011, huyện Ea Súp đã xảy ra trên 213 vụ vi phạm lâm luật, với trên 1.820 ha rừng bị phá, bị lấn chiếm, trong đó có 6 vụ đề nghị khởi tố...
Mặt khác, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc chậm khởi động các dự án trồng rừng là do một số doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính hoặc lợi dụng chủ trương của tỉnh để chuyển đổi mục đích cây trồng, mua bán, sang nhượng dự án trái phép. Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, Y Manh Adrơng cho biết, trong tổng số 16 dự án được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng, trồng cao su trên địa bàn mới qua kiểm tra đã có 2 doanh nghiệp Lộc Phát, Hoàng Nguyên “biến tướng”, vi phạm nghiêm trọng so với mục tiêu đầu tư, hợp đồng thuê đất ban đầu. Cụ thể, Công ty TNHH Lộc Phát được thuê gần 800 ha đất rừng tại tiểu khu 104, 106 xã Ea Hiao (huyện Ea H’Leo) để trồng rừng. Thế nhưng, sau khi tận thu, tận dụng hết gỗ trong vùng dự án, doanh nghiệp này đã bán ngay lại cho doanh nghiệp Tân Thăng Long với giá 4,1 tỷ đồng. Còn đối với doanh nghiệp Hoàng Nguyên cũng đã tự ý chuyển đổi mục đích đầu tư không đúng với chủ trương của tỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp Hoàng Nguyên được tỉnh cho thuê 438 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 9, tiểu khu 17, xã Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo) nhưng chỉ mới trồng 40 ha cao su, diện tích còn lại nằm dọc theo quốc lộ 14, có địa hình thuận lợi tự ý chuyển sang quy hoạch làm khu dân cư, trạm xăng dầu, trạm dựng xe ô tô....
Qua kiểm tra, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 25 dự án trồng rừng, trồng cao su do các doanh nghiệp không đủ năng lực, sang nhượng trái phép, không đáp ứng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Hiện nay, ngoài việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, đất rừng sang trồng rừng, các loại cây trồng khác, tỉnh cũng tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên trên địa bàn.
Quang Huy