Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục Trưởng Cục QLTT thành phố Hải Phòng, các hành vi vi phạm được kiểm tra, phát hiện, xử lý chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện; vi phạm quy định về nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Các đối tượng vi phạm sử dụng các phương thức, thủ đoạn như xé lẻ hàng nhập lậu, tổ chức vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhỏ; cất giấu hàng hóa nhập lậu lẫn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển hàng nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Hoạt động sản xuất tiêu thụ hàng giả xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, hàng giả, xâm phạm sử hữu trí tuệ, giả về nguồn gốc xuất xứ… tập trung nhiều vào các mặt hàng điện tử, quần áo, túi xách, giày dép… Hàng giả được các đối tượng xé lẻ, chia nhỏ, giá trị hàng hóa mỗi lần vận chuyển tiêu thụ đều có giá trị không lớn hoặc dưới mức xử lý hình sự gây khó khăn cho việc bắt giữ, xử lý, đa phần đều ở mức xử lý hành chính.
Một thủ đoạn khác, các đối tượng lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua các trang web thương mại điện tử, trang mạng xã hội, lợi dụng hình thức mua sắm online để trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc…để mua bán, kinh doanh. Sử dụng nguồn nguyên liệu có giá thành, chấp lượng thấp, trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc để sản xuất hàng hoá sau đó dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng đã được đăng ký nhãn hiệu để bán ra thị trường.
Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích dùng đồ ngoại, giá rẻ, các đối tượng thường trà trộn hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng để bày bán công khai.
Các đối tượng còn lợi dụng phương thức vận chuyển thông qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng hóa không rõ nguồn gốc… Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại các kho hàng của các công ty, đơn vị chuyển phát nhanh, kho hàng của các công ty dịch vụ hàng không, kho của các công ty logistics sau đó chuyển bán cho khách hàng
Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Cùng đó, xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng công nghệ số để kinh doanh...
Bảy tháng năm 2023, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã kiểm tra 420 vụ, số vụ xử lý là 269 vụ, với tổng số tiền xử lý trên 5,6 tỷ đồng. Số vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 3 vụ; số vụ đang xem xét là 2 vụ.