Cây luồng giúp người dân vùng cao tăng thu nhập

Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng tại 7 huyện miền núi với kinh phí 57,9 tỷ.

Chú thích ảnh
Ông Hà Văn Hinh (trái), bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn thu nhập 100 triệu/năm từ 3 ha luồng, 2 ha vầu, keo, kết hợp chăn nuôi,; trong đó tính riêng mình luồng đạt khoảng 50-60 triệu/năm. 

Đến nay, tỉnh đã trồng phục tráng, thâm canh được 13.750 ha rừng luồng, làm mới 59,3 km đường ô tô lâm nghiệp, mở 229 lớp tập huấn cho 13.395 người dân về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thâm canh và phục tráng luồng. Hiện, khối lượng luồng sau khi phục tráng tăng nhiều hơn trước, măng trồng to hơn, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng luồng.

Thanh Hóa là tỉnh có 79.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân. Trước đây, do tình trạng khai thác ồ ạt, cũng như chưa biết sử dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật mới nên làm rừng luồng trên địa bàn đã dần bị suy thoái. Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng tại 7 huyện miền núi nhằm cải thiện chất lượng cây luồng và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phòng chống xói mòn, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Nhờ thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học kĩ thuật, cũng như được hỗ trợ phân bón từ nhà nước, người dân các huyện miền núi đã có thu nhập cao từ trồng luồng. Hệ số sinh măng trên diện tích rừng luồng được phục tráng, thâm canh đạt từ 1,25 - 1,46, cao hơn so với diện tích rừng luồng không thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, măng to hơn và gióng dài hơn.

Tại huyện Quan Hóa, huyện có hơn 27.500 ha rừng luồng, để ngăn chặn rừng luồng suy thoái, trong 5 năm qua huyện Quan Hóa đã hỗ trợ người dân các thôn, bản phân bón, chuyển giao khoa học kĩ thuật mới trong thâm canh, phục tráng rừng luồng. Đến nay, huyện đã thâm canh, phục tráng được 4.100 ha, khối lượng luồng sau khi trồng phục tráng đã tăng nhiều hơn trước, măng trồng to hơn so với lúc chưa thực hiện đề án.

Đời sống người dân ngày càng được nâng cao nhờ phát triển kinh tế rừng luồng. Người dân cũng thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc cho rừng luồng sang tập quán canh tác thâm canh, bón phân chăm sóc cho rừng luồng.

Anh Lò Văn Rừng, xã Nam Xuân cho biết, anh được đề án phục tráng rừng luồng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và 2 triệu đồng để mua phân bón trồng phục tráng rừng luồng. Sau đó, thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng luồng kết hợp chăn nuôi, trồng lúa. Anh Rừng cũng thường xuyên lên mạng internet, báo đài để tham khảo thêm kỹ thuật trồng luồng và kết hợp chăn nuôi lợn, gà.

Bằng sự kiên trì chịu khó, kinh tế gia đình anh đã dần ổn định hơn và tới nay, trang trại của anh được mở rộng lên 7 ha; trong đó, có 4 ha rừng luồng, 2 ha trồng lát, keo, nuôi 40 con lợn, trồng 1 ha lúa. Thu nhập bình quân gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/năm.

Còn ông Ngân Văn Sùng, bản Khuông, xã Nam Xuân cho hay, cách đây 10 năm, ông trồng và khai thác rừng luồng theo phương thức sản xuất cũ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, ông được đề án phục tráng rừng luồng hỗ trợ 2 triệu đồng mua phân bón cho 1 ha rừng luồng và được cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong trồng luồng. Sau đó, ông xây dựng mô hình trồng rừng, bằng sự kiên trì và dày công chăm sóc, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng.

Tới nay, ông Sùng đã có 4 ha diện tích trồng rừng; trong đó, có 3 ha cây luồng, 1 ha cây keo, ông kết hợp chăn nuôi 4 con bò, 3 con trâu. Thu nhập bình quân của gia đình đạt 60 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ông đã ổn định hơn trước nhiều.

Chú thích ảnh
Một cơ sở sản xuất đũa từ nguyên liệu tre, luồng tại xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn. 

Tại huyện Quan Sơn, huyện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến… Giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Quan Sơn ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng. Điều này nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho người dân trồng luồng, huyện cũng vận động người dân trồng cây luồng.

Đến nay, huyện đã phục tráng được từ 3.000-4.000 ha rừng luồng với 1.876 hộ gia đình tham gia. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ trồng cây luồng với thu nhập từ 40-60 triệu/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện lên 32 triệu/người/năm.

Ông Hà Văn Hinh, xã Tam Lư cho hay, trước đây gia đình ông có trồng 1 ha luồng kinh tế nhưng do phương thức trồng đã cũ, kinh nghiệm chưa có nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016, ông Hinh được UBND xã Tam Lư hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân để trồng luồng mỗi năm và cán bộ ông nghiệp UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong thâm canh, phục tráng rừng luồng, ông đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế rừng và lấy cây luồng làm cây mũi nhọn trong sản xuất.

Đến năm 2018, ông Hinh trồng thêm 2 ha cây luồng, 2 ha cây vầu, keo, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, đối với cây luồng mỗi năm gia đình ông khai thác 2 đợt; trong đó, đợt 1 là phát quang, đợt 2 khai thác xen kẽ. Tới nay, ông Hinh đã có 6 ha diện tích trang trại, bao gồm: gần 4 ha luồng, 2 ha vầu, keo... thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng thu nhập từ cây luồng đạt từ 50-60 triệu/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trường phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, cây luồng hiện là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Người dân trồng cây luồng không chỉ cho giá trị kinh tế, mà khi cây luồng trưởng thành còn góp phần chống sói mòn, sạt lở đất.

Tới đây, huyện Quan Sơn sẽ vận động người dân tham gia trồng luồng kinh tế và đưa cây luồng vào tích tụ đất đai, phục tráng thâm canh rừng luồng để nâng cao hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện Sở đang rà soát thực trạng các cơ sở chế biến luồng để có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ luồng và ký cam kết không thu mua, tiêu thụ luồng non.

Đồng thời, xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh luồng. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn và là cầu nối để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật và thâm canh rừng luồng; tiến tới xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ FSC cho rừng luồng.

Bên cạnh đó, Sở cũng tạo liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ luồng để tạo ra chuỗi giá trị luồng. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình, các chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp phục tráng, phát dọn dây leo, cây bụi, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi, sửa lại gốc chặt, cuốc lật đất hoặc san hình vảy cá và bón phân. Trồng bổ sung cây thân gỗ vào những đám trống để tăng cường tính ổn định của rừng luồng,

Tỉnh Thanh Hóa cũng phấn đầu đến hết năm 2021 sẽ trồng được 2.715 ha rừng luồng. Qua đó, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân vùng cao.

Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Hiện nay, chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tạo dựng nên cơ nghiệp được nông dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng. Nhiều người đã có những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, tạo dựng cuộc sống ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN