Những người cựu chiến binh giữ màu xanh cho rừng

Trong khi nhiều địa phương rừng bị tàn phá, bị “cạo trọc”, thì ở khu vực núi Nhàn, thuộc xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), rừng vẫn rậm rạp, xanh ngắt. Có được thành quả đó là nhờ công giữ gìn và bảo vệ rừng từ tháng 3/1978 đến nay của tổ bảo vệ gồm 3 người cựu chiến binh tại địa phương, là ông Trần Đức Minh, ông Lê Cao Hoàng và ông Nguyễn Văn Cẩm.


Núi Nhàn có hơn 46 ha rừng cây tự nhiên, địa hình thoai thoải, nằm giữa các xóm làng. Trên núi có nhiều loại cây, có cây lớn cả người ôm, phía dưới có nhiều loài dây leo chằng chịt, đây cũng là điểm trú ngụ của nhiều loài động vật. Đặc biệt, nơi đây là căn cứ của bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để giữ gìn sự nguyên vẹn cho núi Nhàn không phải việc dễ, bởi "lâm tặc" luôn lăm le phá hoại. Ông Trần Đức Minh kể lại: “Từ năm 1979 đến 1982 là những năm cực khổ nhất trong khoảng thời gian tôi giữ rừng. Thời gian đó, 3 anh em tôi phải thay nhau ngủ lại trên rừng cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn. "Lâm tặc" từ nhiều nơi kéo về thường xuyên quấy nhiễu, lôi kéo một số bà con mình. Chúng tôi đã phải phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con cùng phối hợp giữ rừng với phương châm “Nếu núi Nhàn bị cạo trọc, những khu dân cư bao quanh núi sẽ không có nguồn nước mạch để sử dụng”. Thành công lớn nhất chính là thay đổi được suy nghĩ của người dân trong việc đồng lòng giữ màu xanh nguyên thủy của núi Nhàn giống như giữ lá phổi xanh của cộng đồng”.


 

Tổ bảo vệ đi kiểm tra trên núi Nhàn.

 

Cuộc sống của 3 người cựu chiến binh già gắn liền với núi Nhàn, thuộc từng ngách đá, từng gốc cây nơi đây. Những ngày chiến tranh ác liệt với sự càn quét ráo riết của quân địch, các ông và đồng đội vẫn quyết tâm bám trụ, ẩn náu dưới tán lá rừng núi Nhàn. Vì vậy, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dù núi Nhàn là điểm phá hoại của "lâm tặc", nhưng tổ bảo vệ vẫn cố gắng gìn giữ khu rừng tự nhiên. Bởi với họ, đó còn là hành động tri ân đầy ý nghĩa đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc. “Vào những năm 1970-1972, tôi cùng đồng đội là du kích địa phương chọn khu rừng này làm căn cứ an toàn. Thời đó, chốt núi Nhàn là một trong những chốt quan trọng vào loại bậc nhất khu vực Tây Sơn Tịnh. Kiểm soát được chốt này là kiểm soát được cả một địa bàn rộng lớn. Do vậy, bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập, chúng tôi quyết chiến đấu giành lại từ tay địch từng hòn đá một trên núi. Có biết bao nhiêu chiến sĩ đã phải ngã xuống để bảo vệ khu căn cứ giữa núi Nhàn này. Giờ đây, tôi không nỡ chứng kiến cảnh những gốc cây đầy kỷ niệm và là nơi che chở một thời cho hàng trăm chiến sĩ, lần lượt bị đốn ngã”- ông Nguyễn Văn Cẩm tâm sự.


Dù vất vả như vậy, nhưng mỗi năm tổ bảo vệ này chỉ được chính quyền địa phương trả công bằng ba sào ruộng đất cát bạc màu, cùng với 1 triệu đồng. Số tiền ít ỏi ấy không đủ đảm bảo cuộc sống cho ba người cựu chiến binh, nên thực sự điều họ canh cánh là liệu ai sẽ nối tiếp nhiệm vụ này khi cả ba ông đã cao tuổi. Ông Trần Đức Minh chia sẻ: “Điều 3 anh em tôi lo lắng nhất hiện nay là tìm người thay thế mình để bảo vệ rừng, nhưng do xã chi tiền công bảo vệ quá ít, trong khi số diện tích rừng phải bảo vệ lại nhiều, nên chưa ai mặn mà với công việc này. Nếu chính quyền muốn núi Nhàn mãi nguyên vẹn như thế này thì phải tăng kinh phí bảo vệ rừng, như thế mới có người tiếp nối nhiệm vụ của chúng tôi”.


Hiện núi Nhàn vẫn còn nguyên vẹn, không có chuyện chặt đốn cây lấy gỗ, củi. Tổ bảo vệ rừng phân chia phụ trách ở mỗi khu vực và thường xuyên tuần tra quanh núi. Tuy nhiên, để núi Nhàn tiếp tục tồn tại, phát triển, cần sự vào cuộc của cả chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương, nhất là việc mang lại lợi ích kinh tế cho những người có công gìn giữ, bảo vệ rừng.


Bài và ảnh: Đinh Thị Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN