Gìn giữ giá trị văn hóa các tộc rất ít người

Ngày 9/2/2015, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo bàn về giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người, nhằm tìm một cơ chế, chính sách phù hợp để gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc này.

Xây dựng nhà văn hóa để đồng bào Ơ đu sinh hoạt. Ảnh: Trọng Thủy


Theo ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Việt Nam có 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người, là dân tộc Si La, Pu Péo, Brâu, Rơ Măm và dân tộc Ơ đu, đang đứng trước nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc, bởi không có năng lực, điều kiện bảo vệ, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy, yêu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống  của đồng bào các dân tộc dưới 1.000 người, được đặt ra khẩn cấp.

Ông Pờ Chà Nga, đại diện dân tộc Sila cho rằng, với số dân còn dưới 1.000 người, trong điều kiện xã hội phát triển nhanh như hiện nay, dân tộc Si La rất dễ bị đồng hóa, mất dần tiếng nói mẹ đẻ. Đa số các trẻ em dân tộc Si La giờ không biết và cũng không thích hát bài dân ca Si La, không thích mặc trang phục Si La, không biết múa điệu múa Si La… Nhà văn hóa cộng đồng Nhà nước xây cho dân tộc Si La giống hệt ngôi nhà cấp 4 dưới xuôi, nên chỉ có thể gọi là hội trường sinh hoạt cộng đồng, không phải là nhà văn hóa của dân tộc Si La. 

Con em đồng bào Si La ở Điện Biên được học hành ở những ngôi trường khang trang. Ảnh: Trọng Thủy


Ông Lô Văn Thái, Trưởng bản Văng Môn, xã Nga Mi (Tương Dương, Nghệ An), đại diện đồng bào dân tộc Ơ đu thừa nhận, dân tộc Ơ đu hiện còn hơn 400 người, trình độ dân trí thấp, kinh tế khó khăn, đời sống còn nghèo, chưa có điều kiện gìn giữ bản sắc văn hóa. Ông Thái mong muốn Nhà nước đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Ơ đu, sưu tầm tập hợp ngôn ngữ dân tộc Ơ đu in thành sách lưu giữ và dạy cho đồng bào, hỗ trợ phục hồi các lễ hội truyền thống của đồng bào Ơ đu như lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới…

Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, PGS.TS Lê Ngọc Thắng cho rằng, số dân càng ít, thì nguy cơ mai một văn hóa dân tộc càng cao. Chính vì vậy, phải khuyến khích bà con đẻ nhiều, hạn chế tình trạng kết hôn cận huyết thống, để tăng chất lượng dân số. Tuy nhiên, theo ông Pờ Chà Nga (dân tộc Si La), sinh nhiều sẽ không có cơm ăn, áo mặc nên bà con không muốn sinh, nên muốn tăng dân số thì Đảng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ bà con.
GS.TS Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện dân tộc học cho rằng, để bảo tồn cần nghiên cứu sưu tầm những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc một cách kỹ càng, đẩy đủ, sau đó xác định thứ tự ưu tiên bảo tồn, từ tiếng nói, chữ viết, các điệu dân ca, dân vũ, trang phục, tín ngưỡng…    


Phương Hà

Giữ nét văn hóa độc đáo của người Mông
Giữ nét văn hóa độc đáo của người Mông

Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La đón Tết khi tiết trời vùng cao còn chìm trong sương mù, lạnh giá. Đây cũng là dịp để phụ nữ Mông khoe trang phục truyền thống đặc sắc và trổ tài nội trợ. Người già thì cùng nhau uống rượu ngô, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong ngày đầu năm mới mọi sự tốt lành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN