Đồng bào Ea Tu vui Tết

Về Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) những ngày này, chúng tôi thấy đồng bào các dân tộc Kinh, Ê Đê, Mường, M’nông đang nhộn nhịp, vui mừng chuẩn bị đón Tết Tân Mão với không khí "Mừng Đảng- Mừng Xuân".

Mâm cơm… đa sắc tộc

Ngôi nhà nhỏ của già làng Y Yơh Kbua, buôn KMrơngA bao quanh bởi những chậu kiểng, cùng vườn cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái trù phú vốn yên tĩnh hôm nay náo nhiệt lạ. Cả nhà đang xúm xít mổ gà, nướng heo làm cơm. Bên cạnh ché rượu cần, những ống cơm lam là những đĩa giò lụa, bánh chưng, giò thủ, dưa hành… ú ụ, lại còn cả mấy két bia Heiniken nữa. Hóa ra sự náo nhiệt ấy là chuẩn bị cho mâm cơm quần tụ đa sắc tộc “Tam đại đồng đường” thường niên của gia đình.

Nghề dệt thổ cẩm được gìn giữ và phát huy, đem lại nguồn thu nhập khá cho hơn 200 hộ người Ê Đê ở Ea Tu.


Có lẽ, gia đình già Y Yơh là điển hình cho sự hòa trộn đa sắc tộc ở Ea Tu. Già Y Yơk kết hôn với bà Nguyễn Thị Cúc, dân tộc Kinh gốc Bình Định, sinh 4 đứa con, 1 trai 3 gái, tất cả đều đẹp như thiên thần, học hành giỏi giang.


Điều thú vị là, những đứa con đều noi gương ông bà trong “kén vợ chọn chồng”. Anh trai cả Y Phong làm cán bộ xã Ea Tu, là thanh niên điển hình tiên tiến, kết hôn với chị Nguyễn Thị Thanh, có 2 đứa con mắt nâu, tóc xoăn nhưng da trắng đẹp như thiên thần nhỏ.


Cô con thứ H’Kim Dung tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ở Hà Nội rồi lấy chồng người Vĩnh Phúc, hiện là cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH tận Thủ đô Hà Nội.


Cô kế là H’Kim Hương thì sau thời gian làm nhân viên của Công ty may, “bắt chồng” là một anh chàng người dân tộc Mường ngoài miền Bắc, rồi theo chồng về lập nghiệp ở quê chồng tận tỉnh Hòa Bình. Cô em út H’Kim Vui đang học năm cuối khoa Y của Đại học Tây Nguyên hôm nay cũng mang về anh chàng người yêu học cùng trường, người dân tộc Thái.

Có chút hơi men khiến mọi người cởi mở hơn, tiếng cười nói râm ran, ai cũng muốn được trải lòng. Hai đứa trẻ con nhà Y Phong - Nguyễn Thị Thanh thì nói tiếng Ê Đê như… gió, còn mấy đứa con của H’Kim Dung thì líu lo rặt tiếng miền Bắc, sắp nhỏ của H’Kim Hương thì nói được cả tiếng Mường.


Bữa cơm hội tụ lại có thêm vị khách mới, ông Y Yớk Niê. Hóa ra ông Y Yớk là đội trưởng đội cồng chiêng của buôn KMrơngA sang nhà già làng để bàn kế hoạch làm lễ cúng bến nước và chương trình biểu diễn cồng chiêng của buôn. Già làng Yơh cười khà khà bảo tôi: “Nhà ông Y Yớk cũng là điển hình đoàn kết của buôn mình đó”. Trò chuyện một lúc, tôi cũng tỏ về gia cảnh của Y Yớk, niềm tự hào của cả buôn KMRơng.


Vợ chồng ông Y Yớk và bà H’Thu Ê Ban có đến 12 con gồm 8 con trai 4 con gái thì 6 người đã tốt nghiệp các trường đại học như an ninh, sư phạm, kinh tế TP Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là trong số 4 người đã được dựng vợ gả chồng thì một nửa kia của họ đều là người dân tộc Kinh, Tày…

Thật thú vị khi nghĩ đến chuyện nhân chủng học. Nếu có ai đó muốn truy xuất nguồn gốc về huyết thống của những đứa cháu ông Y Yơh, Y Yớk chắc hẳn phải bối rối. Còn tôi thì thấy thú vị vì đã tìm đến đúng địa chỉ để viết về tình “đại đoàn kết” các dân tộc Việt. Và ở KMrơngA này, sự thể hiện “tình thương mến thương” đã lên đến tột cùng.

Cuộc sống mới ở Ea Tu

Già làng Y Yơh trải lòng với chúng tôi: Cách đây hơn chục năm về trước thôi, đồng bào Ê Đê ở các buôn quanh vùng này đói khổ lắm. Hồi đó đất rộng, nhưng người dân không biết làm ăn nên quanh năm đói. Khi đồng bào Kinh, Tày, Thái… di cư đến đây chung sống, họ đem cả tập quán canh tác, đức tính cần cù chịu khó đến với người Ê Đê. Quan trọng hơn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống đồng bào nơi đây.


Không chỉ hỗ trợ về cây, con giống, chính quyền còn cử cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật canh tác. Nhờ vậy mà cây cà phê cho nhiều quả, năng suất cao, bà con biết trồng xen canh, chăn nuôi, làm dịch vụ… Giờ ốm đau đã có bác sỹ ở trạm xá chữa, tối đến có điện thắp sáng, xem ti vi, trẻ con được đến trường. Chỉ trong buôn KMrơngA này thôi, những người học giỏi, lên đại học làm cán bộ nhiều không kể hết.


Kinh tế phát triển, các giá trị văn hóa được bảo tồn, phục dựng. Các buôn đồng bào Ê Đê ở đây đều có bến nước, nhà sinh hoạt cộng đồng, có đội cồng chiêng; trẻ 12 -13 tuổi đã biết đánh cồng chiêng, hát Ay ray, múa xoang, dệt thổ cẩm… thành thạo.

Nghe nhắc đến Tết, già Y Yơh hứng chí: “Sắm Tết à? Đồng bào mình vô tư thôi”. Minh chứng cho lời của già làng là những chiếc xe máy mới cáu cạnh chở theo những TV LCD, tủ lạnh, dàn máy nhộn nhịp lướt qua trước ngõ. “Nhiều nhà trong buôn còn sắm được ô tô. Buôn còn vài hộ xếp vào diện nghèo nhưng hộ nào cũng sắm được xe máy, ti vi, máy cày”, già Y Yơh tự hào.

Anh Nguyễn Hữu Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tu thông báo: Ea Tu có diện tích tự nhiên gần 3 km2, dân số gần 15.000 người, thuộc 16 dân tộc anh em.


Tiếng là có 6 buôn đồng bào Ê Đê, nhưng trong các cộng đồng ấy cũng đã có sự xen kẽ của nhiều hộ dân tộc khác nữa. 5/6 buôn Ê Đê được công nhận là buôn văn hóa, buôn còn lại nhận danh hiệu tiên tiến; hơn 91% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Đến nay xã đã hoàn thành các chương trình về cấp đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng… cho đồng bào dân tộc thiểu số.


Chương trình 134 cũng hoàn thành với 112 hộ nghèo được xây nhà mới. Đồng bào Ê Đê ở đây không chỉ biết trồng cà phê, làm dịch vụ mà còn có hàng trăm người làm công nhân cao su, 200 hộ có nghề dệt thổ cẩm đưa lại nguồn thu nhập ổn định.


Xã không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 6,6%. Và không phải ngẫu nhiên mà Ea Tu là 1 trong số 2 xã, phường của TP Buôn Ma Thuột được chọn để xây dựng “Xã Văn hóa” điểm.

Về Ea Tu trong những ngày này đã cảm nhận được không khí đón Tết đang lan đến từng nhà. Phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa truyền thống trong khối “đại đoàn kết”…, tất cả thể hiện lòng tin sắt son vào Đảng, là hành động thiết thực nhất của đồng bào Kinh – Thượng ở đây chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN