Công nghệ “bước chân” vào chợ truyền thống Hàn Quốc

Ông Yoo Hyung-Geun đã bán dầu vừng ở cổng chợ Junggok Cheil, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) suốt 14 năm qua. Hồi tháng 6/2013, ông đã “chia tay” với cái máy tính tiền lỗi thời từng được ông rất tin cậy. Thay vào đó, ông dùng một chiếc máy tính bảng màn hình cảm ứng Samsung Galaxy miễn phí do công ty điện thoại hàng đầu Hàn Quốc là SK Telecom cung cấp.


Ông Yoo và chiếc máy tính bảng hiện đại, chiếc máy tính tiền lỗi thời bên cạnh đã không được sử dụng nữa. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Chiếc máy tính bảng không chỉ đóng vai trò là một máy đếm tiền điện tử mà còn có phần mềm do chính SK Telecom phát triển dành riêng cho các tiểu thương để giúp họ làm ăn hiệu quả hơn.


Ở mức độ cơ bản nhất, chiếc máy tính bảng này lưu trữ, cung cấp dữ liệu về hàng hóa và doanh số như mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng bán được bao nhiêu chai dầu vừng. Nó còn giúp ông Yoo lưu thông tin về những mặt hàng mà một khách hàng nào đó thường mua. Nhờ đó, ông có thể chào mời khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới bằng cách gửi tin nhắn hoặc thư điện tử tới những khách quen dựa trên thói quen mua bán của họ.


Ông Yoo tỏ ra rất hào hứng với công nghệ mới vì doanh số bán hàng của ông tăng gần 30% kể từ khi ông dùng máy tính bảng. Ông tiết lộ rằng ông đang tìm cách phân tích dữ liệu bằng nhiều cách khác nhau.


SK Telecom còn cung cấp cho tiểu thương cả một dụng cụ điện tử mini có thể quét thẻ tín dụng - một điều rất tiện lợi đối với những khách hàng trung thành với chợ truyền thống nhưng lại ngại mang theo tiền mặt. Kwon Hyuk-Sung, một người dân Seoul là khách hàng thường xuyên của cửa hàng ông Yoo, cho biết mua hàng bằng thẻ tín dụng ở chợ truyền thống rất tiện lợi.


Ông Yoo Hyung-Geun là một trong 14 người ở chợ Junggok Cheil được nhận máy tính bảng và phần mềm đặc biệt nói trên từ SK Telecom. Sáng kiến của SK Telecom nhằm đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye. Bà Park Geun-Hye mong muốn các công ty lớn giúp đỡ các tiểu thương làm ăn trong môi trường ngày càng cạnh tranh.


Cuộc sống hiện đại buộc giới tiểu thương làm ăn trong khoảng 300 khu chợ truyền thống ở thủ đô Seoul, những khu chợ trên những con phố đông đúc, nhỏ hẹp, chật kín người bán hàng, phải cạnh tranh khốc liệt với các chuỗi siêu thị. Những E-Mart hay HomePlus với gian hàng hiện đại, khang trang, không gian rộng rãi, lắp điều hòa mát lạnh với nhiều chỗ đỗ xe thực sự là một thách thức không dễ vượt qua với tiểu thương chợ truyền thống.


Tính đến nay, SK Telecom đã cung cấp 26 máy tính bảng và phần mềm đi kèm cho tiểu thương ở hai khu chợ quanh Seoul và định mở rộng ra nhiều khu chợ khác trong năm 2013.


Không chỉ tiểu thương ở chợ Junggok Cheil mà người buôn bán tại các chợ truyền thống ở nhiều thành phố khác của Hàn Quốc cũng nhận thấy rằng, công nghệ mới có thể giúp họ đứng vững hơn trong môi trường kinh doanh hiện đại.


Nhờ một ứng dụng trên điện thoại di động mà khu chợ ở thành phố Busan có thể cung cấp phiếu giảm giá cũng như thông tin về 100 quầy hàng trong chợ. Người đến mua đồ ở chợ này còn có thể nhận chỉ dẫn chỗ đỗ xe gần nhất nhờ ứng dụng này. Một số quầy hàng bán đồ ăn sẵn và tạp hóa còn thu hút khách hàng trẻ bằng cách cung cấp wi-fi miễn phí, để “thượng đế” vừa ngồi nhâm nhi đồ ăn vừa lướt web.


Tại khu chợ ở thành phố Suwon gần Seoul, người ta còn lắp đặt cả camera có thể đếm số người tại bất kỳ khu vực nào vào bất kỳ thời điểm nào. Mục đích là để cho tiểu thương có thể dùng số liệu đó và xác định thời điểm tốt nhất, vị trí tốt nhất để tổ chức các sự kiện bán hàng.


Rõ ràng là, khi công nghệ “bước chân” vào chợ truyền thống, nó đã tạo ra một cung cách làm ăn linh hoạt, năng động và hiệu quả cho giới tiểu thương Hàn Quốc.


Thùy Dương (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN