Nhức nhối nạn nhập lậu đường qua biên giới

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ngày 30/10, tình trạng gian lận thương mại, nhập lậu đường quy mô lớn đang diễn ra rất nhức nhối, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành mía đường Việt Nam. 

Chú thích ảnh
7,5 tấn đường cát nghi là đường Thái Lan nhập lậu vừa bị lực lượng quản lý thị trường An Giang bắt giữ. Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia.

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia, đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Hoạt động này chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước…

Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng buôn lậu đường thường chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy; sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn. 

“Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là: Sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước, đem sang bên nước bạn (thường là Campuchia) đóng hàng đường vào đó. Như vậy đã "phù phép" đường nhập lậu, dán nhãn mác Việt và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, khi hàng đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh đó có phải đường nhập lậu hay không?”, đại diện BCĐ 389 Quốc gia nói.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết tháng 9/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. 

Để xử lý nghiêm tình trạng hoạt động trái phép trên, BCĐ 389 Quốc gia cho rằng: Cần phải điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Liên quan tới quy trình thanh lý đường nhập lậu, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải điều chỉnh quy định, đó là chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia.

Minh Phương/Báo Tin tức
Bình Dương thu giữ gần 250 tấn đường cát nhập lậu
Bình Dương thu giữ gần 250 tấn đường cát nhập lậu

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương mới đây đã tịch thu gần 250 tấn đường cát nhập lậu. trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN