Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Nhân sự kiện ý nghĩa này, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã có đánh giá về những điểm sáng của ngành Ngoại giao 75 năm qua và hướng phát huy thành tựu của ngành trong bối cảnh hiện nay.
Nâng cao vị thế đất nước
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoại giao đóng vai trò mở đường, phát triển, đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu; mở rộng các thị trường, lĩnh vực hợp tác mới, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện; tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Theo đó, ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoại giao ngày càng gắn kết hơn với người dân, các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Ngoại giao luôn có mặt trên tuyến đầu trong công tác bảo hộ công dân. Trong đại dịch COVID-19, ngành ngoại giao đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh, triển khai hàng loạt các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương bằng các hình thức linh hoạt như điện đàm, trực tuyến, qua đó duy trì đà quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong mọi thời kỳ, ngoại giao luôn đi đầu trong việc đổi mới tư duy, xây dựng và triển khai chính sách, các chiến lược, sách lược đối ngoại khôn khéo, táo bạo, mang tính đột phá. Đặc biệt, ngoại giao luôn phát huy vai trò tiên phong trong kiến tạo môi trường đối ngoại thuận lợi nhất cho việc giành và củng cố độc lập chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.
Theo Phó thủ tướng, chặng đường 75 năm qua đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, toàn diện cả về tầm nhìn, tư duy, bản lĩnh, phong cách và phẩm chất đạo đức cách mạng. Ngành ngoại giao đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Sao vàng, một Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác vì những đóng góp xuất sắc của Ngành trong 75 năm qua.
"75 năm trước, giữa muôn trùng gian khó, vận nước ở thế ‘ngàn cân treo sợi tóc’, nhưng dưới tài chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam vẫn lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh non song đất nước. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay xin hứa với Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm làm hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, tận dụng mọi thời cơ để viết tiếp trang sử hào cùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
ASEAN - Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Năm 2020 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2020). Việc tham gia ASEAN và đóng góp cho khu vực cũng góp phần ngày càng khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đánh giá chặng đường 25 năm đồng hành của Việt Nam và ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN Việt Nam cho rằng, ASEAN và Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Từ một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực, ASEAN đã trở thành một khu vực thành công, năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ năm thế giới, thu hút được sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Sau những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đánh giá về những lợi ích quan trọng mà ASEAN mang lại cho Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc tham gia ASEAN giúp Việt Nam có điều kiện để phát triển nhanh, vững chắc; có một môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển; mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các đối tác lớn, quan trọng; mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều tiềm lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước; hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, việc trở thành thành viên ASEAN đã góp phần nâng cao năng lực cho Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã tiến hành đổi mới, hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đẩy mạnh nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong những hoạt động quốc tế và đa phương.
Với tư cách là thành viên ASEAN, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực không chỉ của ASEAN mà của cả cộng đồng quốc tế.
Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho ASEAN. Là một nước tầm trung trong khu vực, dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ tư ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức; chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp tích cực vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI)…
Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội và kinh tế, cũng như chủ trì tổ chức sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết của ASEAN.
Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất chủ đề ASEAN 2020: "Gắn kết và chủ động thích ứng". Không được đoán định từ trước, thách thức đầu tiên của ASEAN sau khi chủ đề này được đưa ra là sự bùng phát của dịch COVID-19, tuy nhiên, chủ đề này của Việt Nam là rất đúng trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, hợp tác ASEAN theo tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng" đã giúp ASEAN vững vàng ứng phó với dịch COVID-19, trở thành hình mẫu của thế giới về ứng phó với dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, vai trò và đóng góp của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 đối với nỗ lực hợp tác chung của khu vực trong chống dịch COVID-19 được khái quát bằng ba từ khóa: "Thích ứng - Chủ động - Linh hoạt".
"Thích ứng" thể hiện ở khía cạnh trong tình hình khẩn cấp xảy ra, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN. Từ đó, Việt Nam phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, Việt Nam chủ động đề xuất và điều phối nỗ lực hợp tác trong ASEAN và với các đối tác. Trong nội bộ ASEAN, trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Việt Nam đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch COVID-19; sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành cấp Thứ trưởng của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp…
Trước việc không thể áp dụng phương thức truyền thống là gặp gỡ và họp trực tiếp do dịch bệnh, Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin, linh hoạt thúc đẩy tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến trong ASEAN cũng như với các đối tác, góp phần duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực.
Hiện nay, khi vấn đề phục hồi sau đại dịch COVID-19 được bàn luận rộng rãi, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN đang hướng tới những biện pháp phục hồi ASEAN phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn-trung hạn-dài hạn, đồng thời phải cân bằng được mục tiêu kép…
Kiều bào hướng về Tổ quốc
Là một trong bốn trụ cột của ngành ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: Với sự gắn kết ngày càng chặt chẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài với công tác đối ngoại chung của đất nước, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không ngừng phát triển cả về lượng và chất, với khoảng 5,3 triệu người tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 500 nghìn người có trình độ đại học trở lên, nhiều người là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính. Một số đã tham gia hệ thống chính trị của các nước. Hàng năm, khoảng 400 - 500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam.
Với hơn 3 nghìn dự án, tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước đầu tư, kinh doanh đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi đánh giá, với nhận thức sâu sắc về việc mỗi người Việt Nam là một "đại sứ văn hóa", cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, chủ động cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống như: Nhật Bản, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Với sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phong trào học và dạy tiếng Việt cũng lan tỏa trên khắp các châu lục, nâng cao ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động "về nguồn", được kiều bào hưởng ứng, tham gia như: Xuân Quê hương, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam…
Trên tinh thần đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài được hướng mạnh vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các sáng kiến của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần tạo luồng sinh khí mới cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua "Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" năm 2017 và 2018. Cuối năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.
Hiện nay, do đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đại đa số bà con kiều bào ta ở nước ngoài, công việc làm ăn, kinh doanh bị đình trệ, mất việc làm, tâm lý lo lắng, hoang mang… Trước tình hình đó, các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phòng, chống dịch bệnh, động viên bà con bình tĩnh, tương trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Ở chiều ngược lại, người Việt Nam ở nước ngoài cũng tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Những điểm sáng của ngành Ngoại giao cũng chính là một trong những điểm sáng góp phần làm nên một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần đưa dân tộc Việt Nam phát triển hùng cường, "sánh vai cùng các cường quốc năm châu".