Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đẩy nhanh tiến độ cải cách tư pháp

Hoạt động nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa to lớn


Ngày 10/12, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp lần thứ 8, lấy ý kiến báo cáo Bộ Chính trị về đề án tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.


Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.


Cơ bản nhất trí với chủ trương tổ chức tòa án và Viện Kiểm sát khu vực, các đại biểu đã thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tổ chức mô hình; đánh giá những mặt ưu việt, hạn chế; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng khắc phục khó khăn khi tổ chức thực hiện. Nhiều ý kiến tại phiên họp khẳng định, chủ trương và quyết tâm thực hiện tổ chức tòa án và viện kiểm sát khu vực đã có, nhưng quá trình triển khai cần phải cân nhắc kỹ để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân; việc liên hệ giữa cơ quan xét xử và người dân khi thực hiện tại vùng sâu, vùng xa; sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong thi hành án.


Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị công phu của ban soạn thảo trong quá trình xây dựng báo cáo, qua đó thể hiện sự đồng thuận của Ban Chỉ đạo, đại diện các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc nâng cao vai trò, vị trí của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đảm bảo nguyên tắc độc lập khách quan và tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp.


Đề nghị các đại biểu làm rõ những mặt hạn chế cần khắc phục trong quá trình triển khai mô hình, Chủ tịch nước cho rằng, hoạt động cải cách tư pháp đang được Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm, tuy nhiên chuyển biến còn chậm, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn tới.


Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc nghiên cứu tổ chức mô hình nhằm thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao; do vậy, mục đích hoàn thiện báo cáo lần này là phải giải đáp được vấn đề Bộ Chính trị quan tâm. Khẳng định mục tiêu hướng tới của việc tổ chức thẩm quyền xét xử là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Chủ tịch nước chỉ rõ, các đại biểu cần tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ cởi mở, tập trung trí tuệ, tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo, sớm trình Bộ Chính trị xem xét quyết định.


lNgày 10/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam đã làm việc với Ban Thường vụ Trung ương CTĐ Việt Nam.


Chủ tịch nước khẳng định, Hội CTĐ Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của hội. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Hội CTĐ đã không ngừng lớn mạnh, làm tốt vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người tình nguyện và nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo, chăm lo, giúp đỡ các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống.


Với mô hình tổ chức 4 cấp, có mặt tại 98% xã, phường, 54% cơ quan doanh nghiệp, thu hút hơn 8 triệu hội viên tình nguyện viên tham gia, hiện Hội CTĐ Việt Nam đã tích cực tham gia trợ giúp nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa. Trong giai đoạn 2007-2012, thông qua các lời kêu gọi trong nước và quốc tế, Trung ương Hội đã vận động được 486 tỷ đồng cứu trợ.

Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội CTĐ Việt Nam trong những năm qua đã được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở, công tác chỉ đạo và hoạt động của hội được đổi mới. Các hoạt động cứu trợ, trợ giúp nhân đạo của hội được tiến hành kịp thời, có hiệu quả. Ở những nơi có thiên tai, có người dân kém may mắn cần được trợ giúp, đều có hoạt động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ kịp thời.


Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi, đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có rất nhiều vấn đề nhân đạo cần giải quyết do hậu quả chiến tranh còn nặng nề; tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp; các loại dịch bệnh phát triển; bên cạnh tuyệt đại đa số nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, vẫn còn một bộ phận hết sức khó khăn cần được giúp đỡ. Do đó, hoạt động CTĐ, các hoạt động nhân đạo, từ thiện vẫn có vai trò và ý nghĩa to lớn.


Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, không chỉ góp phần trợ giúp trực tiếp những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc ta cho các thế hệ mai sau.


Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và cao cả này, Hội CTĐ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Bộ máy của hội cần tinh gọn với đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên ở tất cả các cấp, các lĩnh vực.


Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”; các cấp chính quyền thể chế hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nội dung về công tác nhân đạo và Hội CTĐ được quy định trong Luật Hoạt động CTĐ.


Hoàng Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN