Kỳ vọngcho tương lai toán học Việt Nam

Nhấc điện thoại liên hệ với GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam (ảnh), với nguyện vọng muốn được ông chia sẻ về tương lai của sự phát triển toán học Việt Nam, tôi bất ngờ nhận được lời giới thiệu của ông: "Chú có người nhà làm ở Việt Nam Thông tấn xã".


Cụm từ "Việt Nam Thông tấn xã" vốn thuộc về "lịch sử" và đoán rằng “người nhà” ông nhắc tới cũng là người của “lịch sử”, tôi mừng, bởi biết rằng cuộc gặp này sẽ không đơn thuần như buổi trò chuyện khô khan…

Trông người lại ngẫm đến ta

Năm qua, sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields làm "rung động" giới khoa học trong nước và cho thế giới thêm một cái nhìn mới về Việt Nam.


Thực trạng toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung hay những cái tên trong giới toán học được cộng đồng biết đến nhiều hơn. Nhưng những người làm khoa học vẫn là những người “sợ nói về bản thân”. Trong cuộc trao đổi điện thoại hay suốt buổi trò chuyện, GS Ngô Việt Trung luôn nhắc tôi rằng: “Đừng nói gì về tôi” - dù ông là một nhà khoa học đặc biệt của nền toán học Việt Nam, một tấm gương vượt lên căn bệnh bại liệt từ năm lên ba tuổi.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (trái) trao Giải thưởng Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hội nghị các nhà Toán học Quốc tế. ảnh: AFP/TTXVN


Khi nói về thực trạng phát triển toán học Việt Nam, GS Ngô Việt Trung mỉm cười đáp: “Nội dung đó năm qua đã được truyền thông nhắc đến nhiều”. Và rất ý nhị, ông kể câu chuyện của một nhà toán học lỗi lạc gốc Hồng Công (Trung Quốc) mà những lời cố vấn của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chính quyền Trung Quốc. Đó là GS Shing-Tung Yau (đoạt giải thưởng Fields năm 1982) hiện đang giảng dạy tại Đại học Harvard (Mỹ).

Bằng giọng trầm trầm, GS Ngô Việt Trung nhắc đến giải thưởng toán học Hang Lung do GS Shing-Tung Yau vận động lập ra và do Tập đoàn Hang Lung - một tập đoàn bất động sản bậc nhất Hồng Công - đứng ra lo mọi kinh phí.


Cuộc thi giải toán Hang Lung cứ hai năm tổ chức một lần thu hút được hàng trăm học sinh phổ thông Hồng Công tham gia và gây sự chú ý lớn của dư luận. Giải nhất của cuộc thi này lên tới 100.000 USD. Đặc biệt hơn, giám khảo của cuộc thi bao gồm những nhà toán học đến từ các nước khác nhau và trong số đó có nhiều người từng đoạt những giải thưởng danh giá như: Nobel, Fields…


“Tôi là một thành viên của ban giám khảo nhưng chỉ là “con kiến” trong đó thôi” - GS Ngô Việt Trung cười khi nhắc tới điều này. Điều ông ấn tượng ở cuộc thi đó là: “Tất cả những học sinh vào vòng chung kết phải tự thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình. Các em rất tự tin. Ở cuối mỗi phần thi, ban giám khảo dành cho thí sinh câu hỏi: “Thời gian tới, anh/chị định theo học ngành gì?”.


Đa số câu trả lời đều là: “học toán và làm toán”. Cuộc thi kết thúc cách đây sáu tháng, hai em đoạt giải nhất và giải nhì cuộc thi sau khi tốt nghiệp phổ thông đã theo học tại hai trường đại học danh tiếng trên thế giới, đó là Đại học Cambridge (Anh) và Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Điều này cho thấy mối quan tâm của xã hội Hồng Công đối với toán học và điều này sẽ giúp cho toán học Hồng Công phát triển bền vững.

GS Ngô Việt Trung nói: “Nhận thấy ở Hồng Công, GS Shing-Tung Yau quen biết rất nhiều người cũng như sự trọng thị của chính quyền dành cho vị GS này, tôi hỏi phải chăng ông hay về Hồng Công. Nhưng thú vị thay ông ta đáp: “Không, tôi về Hồng Công rất ít. Hiện nay tôi về Bắc Kinh thường xuyên hơn, ở đấy họ coi trọng những lời cố vấn của tôi”.

“Tôi tìm hiểu về GS Shing-Tung Yau thì càng ngạc nhiên hơn nữa. Năm 1996, Quỹ Morningside và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thành lập Trung tâm Morningside Toán học do chính GS Shing-Tung Yau làm Chủ tịch Hội đồng khoa học.


Mục đích của trung tâm là tạo điều kiện để các nhà toán học trẻ Trung Quốc tiếp xúc với các nhà toán học hàng đầu thế giới. Trung tâm cũng tổ chức những khóa học ngắn hạn để giúp những nhà toán học trẻ Trung Quốc được học tập và trao đổi kinh nghiệm. Hoạt động của trung tâm này giống như Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam đang đề ra hiện nay”- GS Ngô Việt Trung kể.

Năm 2009, GS Shing-Tung Yau tiếp tục vận động Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) - một trong những đại học hàng đầu của thế giới - thành lập Viện các khoa học Toán học. Viện này có chức năng giống như Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), nơi dành cho một số rất ít những nhà toán học hàng đầu đến đó làm việc với những điều kiện tốt nhất.


Đồng thời đây cũng là nơi ưu tiên các nhà toán học trẻ đến làm việc, cũng giống như mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam. Trước đó, vị giáo sư này cũng đã thành công trong việc vận động thành lập các viện toán tương tự ở Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc).

Và năm 2010, GS Shing- Tung Yau lại vận động ĐH Thanh Hoa và chính quyền đảo Hải Nam thành lập Trung tâm Hội nghị Toán học Quốc tế - nơi sẽ tổ chức thường xuyên các hội nghị toán học và trao đổi ý tưởng cộng tác. Chính quyền đảo Hải Nam đã bố trí cho trung tâm này một mảnh đất rất đẹp và dành một bãi biển phục vụ cho các hoạt động của trung tâm.


Vinh dự là một trong những khách mời của hội nghị khai trương trung tâm này, GS Ngô Việt Trung bày tỏ: “Hội nghị tổ chức rất hoành tráng với đại biểu là 200 nhà toán học đến từ nhiều nước trên thế giới với nhiều nhà khoa học được những giải thưởng như Nobel, Abel, Fields… Trong 2 năm đầu, kinh phí mời khách dự các hội nghị tại trung tâm do Chính phủ Trung Quốc đảm nhiệm. Điều này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc khi muốn thu hút chất xám của các chuyên gia nước ngoài và mong muốn trở thành cường quốc về toán học”.

Cần được nhìn nhận đúng

GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh: “Vai trò tư vấn về mặt khoa học của GS Shing - Tung Yau được chính quyền Trung Quốc tôn trọng bằng hành động cụ thể và rất bài bản”. Và ông hy vọng khi Việt Nam có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán thì Chính phủ sẽ thực thi một số chính sách tương tự.

GS Ngô Việt Trung cũng cho biết, lộ trình để thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã có từ trước khi diễn ra “sự kiện GS Ngô Bảo Châu”. Và việc GS Ngô Bảo Châu được giải Fields như một chất xúc tác làm cho mọi việc nhanh hơn. Như lời của Viện trưởng Ngô Việt Trung: “Vai trò của anh Châu rất quan trọng bởi uy tín của anh với cộng đồng toán học thế giới”.

“Với việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, có thể hy vọng tình hình trên sẽ được cải thiện trong những năm tới. Vấn đề là các bạn trẻ phải dám dấn thân theo đuổi toán học. Nếu các bạn say mê và kiên trì thì sẽ đạt được những thành tựu trong nghiên cứu. GS Ngô Bảo Châu là một tấm gương như vậy”- GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh.

Khi sang Trung Quốc, GS Ngô Việt Trung đã gặp một nhà toán học lão thành của Trung Quốc ở Đại học Phúc Đán (Thượng Hải). Vị GS đó đã chia sẻ rằng: “Lãnh đạo nước chúng tôi có hỏi tại sao nước các ông lại có được giải Fields như vậy”.

“Ở một khía cạnh nào đó, xã hội Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng thành tựu khoa học. Rất hiếm các nhà khoa học Việt Nam được nhắc đến trong lịch sử. Mặt khác, người ta thường tư duy ở nền kinh tế thị trường thì anh phải làm ra của cải. Cách hiểu như vậy là chưa đúng. Sự đóng góp cho tri thức không thể đo bằng tiền của và càng không thể đo đếm được”, GS Ngô Việt Trung nói thêm.

Các bạn trẻ phải dám dấn thân làm khoa học

Sắp bước sang tuổi lục tuần và đã có 36 năm theo đuổi ngành toán nhưng khi đưa ra những suy nghĩ của mình về lớp trẻ làm toán nói riêng và làm khoa học nói chung, GS Ngô Việt Trung đáp vỏn vẹn: “Rất khó!”.

GS Ngô Việt Trung là một trong bảy người Việt Nam là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba. Cùng với GS Hoàng Tụy, ông được đánh giá là một trong hai nhà toán học tiêu biểu đương đại của Việt Nam. Bị bại liệt từ năm lên 3 tuổi song ông vẫn cố gắng học tập rồi trở thành học sinh chuyên Toán trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Năm 1969, ông đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Sau đó, ở tuổi 16 tuổi, ông sang Đức học đại học về toán…

Sau giây lát trầm ngâm, ông dẫn chứng: “Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến việc theo đuổi làm khoa học. Rất ít em lựa chọn con đường làm toán.


Chỉ có một vài em say mê lựa chọn con đường nghiên cứu toán học nhưng khi đi học nước ngoài lại không quay trở về. Cũng có em thời phổ thông say mê toán nhưng nhìn về khả năng tương lai thì các em lại không chọn toán làm con đường đi. Mức thu nhập và đãi ngộ thấp đã làm không ít em nản chí”.

Rồi giáo sư đưa ra một ví dụ sinh động về thực tế tại Viện của mình. Theo đó, lương hằng tháng của một cán bộ có bằng tiến sĩ là khoảng 2 triệu đồng. Vậy nên để khuyến khích cán bộ trẻ, Viện đã hỗ trợ thêm cho mỗi cán bộ trẻ dưới 35 tuổi thêm khoảng 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập này chẳng nhà khoa học hay cán bộ nào tha thiết với nghề.

“Chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ để những nhà toán học trẻ có thể phát triển về mặt chuyên môn, như tạo điều kiện học thêm hay cử đi học nước ngoài. Địa chỉ để cử đi học không thiếu, nhưng cái khó nhất là không có người.


Chúng tôi vừa có cuộc họp bàn để cử cán bộ đi theo một chương trình hợp tác với EU nhưng mất rất nhiều thời gian vì khó tìm được người thích hợp. Năm vừa qua, Viện Toán có ba người về hưu nhưng không tuyển được người trẻ thay thế và những năm tới chắc vẫn như vậy. Còn các học viên đang học cao học tại Viện phần lớn là giáo viên ở các trường phổ thông, giảng viên đại học nhưng mục đích học của họ là chỉ lấy bằng cấp”- giọng ông buồn buồn khi kể đến đây.

Buổi trò chuyện như thân mật hơn bởi “người nhà” được ông nhắc đến ngay khi tôi liên hệ là bố ông - Ngô Điền - đã có thời gian giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), mẹ ông là bà Trần Thị Tỳ đã có nhiều năm cống hiến tại Thông tấn xã Việt Nam. Tôi hiểu, vì lẽ đó tôi đã được ông chia sẻ những tâm tư rất thật.

Lê Hồng Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN