NSƯT Thanh Sang qua đời, để lại những vai diễn kinh điển lưu dấu một thời

Sau hai tuần nhập viện cấp cứu vì khó thở, NSƯT Thanh Sang đã về với đất mẹ trong vòng tay của người thân tại nhà riêng ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vào lúc 0 giờ 25 ngày 21/4. NSƯT Thanh Sang ra đi nhưng những vai diễn của ông trên sân khấu cải lương vẫn còn sống mãi và là "tượng đài" khó ai thay thế.

Vai diễn được khán giả mộ điệu cải lương yêu thích nhất của NSƯT Thanh Sang có lẽ là chàng trai hiền lành, hết mực chung tình, hiếu thuận Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu. Vở diễn ra mắt khán giả sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, năm 1976 và ngay lập tức tạo nên cơn "sóng thần" hâm mộ cuồng nhiệt trong khán giả.


Những lớp diễn trạng nguyên Trần Minh chấp nhận án tử vua ban vì không muốn phản bội lời thề nguyền phu thê với người vợ nơi quê nhà hay phân cảnh chia tay với người vợ thảo hiền Quỳnh Nga để lên đường vào kinh thành ứng thí, hoặc phân đoạn nói chuyện cùng người bạn vong niên Nhuận Điền lúc vinh quy bái tổ... là những phân đoạn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả của ông.

Với vai diễn Trần Minh trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa, NSƯT Thanh Sang đã chinh phục trọn vẹn mọi tầng lớp khán giả. Ảnh: CTV

Ngay sau đó một năm, năm 1977 cũng cùng sánh đôi với NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thanh Sang tiếp tục có thêm vai diễn Thi Sách khiến khán giả nhớ mãi, cảm xúc trào dâng trong vở cải lương Tiếng trống Mê Linh của soạn giả Vĩnh Điền, Viễn Châu, Nguyễn Phương. Năm 1978, cùng với Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh đã được chọn là những vở cải lương đầu tiên được ghi hình phát trên sóng truyền hình sau năm 1975.


Tương tự như NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thanh Sang có giọng hát trầm buồn, đầy nội lực nghe man mác sầu thiên cổ. Cách ca diễn cũng rất chừng mực và thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc, cầu thị. Phân đoạn ám ảnh khán giả nhất và là những khoảnh khắc chói sáng, hào hùng trên sân khấu của nghệ thuật cải lương là lớp diễn Trưng Trắc tế chồng trên giàn hỏa.


Ở phân cảnh này, NSƯT Thanh Sang đã lột tả trọn vẹn thần khí của một người dũng tướng hiên ngang đầy uy vũ nhưng cũng rất tình cảm trước vận mệnh của đất nước khi khẳng khái khuyên vợ đặt việc nước trước tình nhà để tiến binh diệt giặc. Rất nhiều thế hệ yêu mến cải lương sẽ không bao giờ quên ông với hai câu vọng cổ làm rúng động lòng người và cao trào là sáu chữ cuối “Hãy nổi trống tấn công đi” vang lên đầy bi tráng của người anh hùng nén nỗi đau tử biệt sinh ly, một lòng vì giang sơn gấm vóc.

Phân đoạn Thi Sách khuyên Trưng Trắc dẹp bỏ tình riêng để lo cho thù chung mãi mãi trở thành một lớp diễn đầy ám ảnh với nhiều người. Ảnh: CTV

Ngoài hợp diễn cùng NSƯT Thanh Nga tạo nên một cặp đôi hoàn hảo cho sân khấu cải lương từ ca, diễn cho đến sắc vóc, NSƯT Thanh Sang còn kết hợp ăn ý với nhiều bạn diễn khác, tạo những ấn tượng không kém. 


Những năm 1980, vở cải lương Kiều Nguyệt Nga, Thái hậu Dương Vân Nga... do NSƯT Thanh Sang đóng vai chính cùng NSND Bạch Tuyết đã tạo nên sự hâm mộ cuồng nhiệt từ khán giả. Những phân đoạn Lục Vân Tiên gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga, hay thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào cho dũng tướng Lê Hoàn... đã được NSƯT Thanh Sang lột tả đầy thuyết phục, tạo ấn tượng mạnh với người xem.


Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời ở tuổi 74. Lễ tẩm liệm cố nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng vào 7 giờ 30 sáng 21/4, lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 21/4. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào 7 giờ 15 ngày 25/4, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Bình Dương.


Lê Nghĩa/ Báo Tin Tức
Hai nghệ sĩ cải lương U80 ước được hát cho khán giả nghe một lần nữa
Hai nghệ sĩ cải lương U80 ước được hát cho khán giả nghe một lần nữa

Trong tập 11 của chương trình "Hát cùng mẹ yêu" tối ngày 14/3, sự xuất hiện của 2 nghệ sĩ cải lương kì cựu Diệu Hiền và Ngọc Hương cùng những chia sẻ đầy chân tình về ước mơ được hát cho khán giả nghe một lần nữa sau một thời gian cả hai sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ, đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN