“Mùa xuân nho nhỏ” của “ông già composit”

Dành trọn nửa thế kỷ nghiên cứu vật liệu pôlyme composit nên Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu (ảnh) thường được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến gọi đùa là “ông già composit”. Nhưng mùa xuân này, GS Diệu còn có thêm một tên gọi đặc biệt, đó là “Công dân ưu tú Thủ đô năm 2011”.

“Còn khỏe, tôi còn cống hiến, sáng tạo..."

"Tôi luôn coi mình chỉ là một người làm khoa học đơn thuần, suốt đời miệt mài với những nghiên cứu, nay thật vui khi công sức của mình tiếp tục được công nhận", GS Trần Vĩnh Diệu từ tốn chia sẻ khi thấy chúng tôi đề cập đến danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2011 mà ông vừa được trao tặng.

GS Diệu tâm sự rằng, không mấy nhà khoa học chân chính nào nghĩ đến chuyện nghiên cứu khoa học để lấy thành tích, phần thưởng hay bằng khen. Tự đáy lòng mình, ông luôn luôn phấn đấu trở thành người có trách nhiệm công dân cao nhất.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở mảnh đất cằn ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nên ngay từ nhỏ cậu trò nhỏ Trần Vĩnh Diệu đã phải làm đủ nghề từ làm ruộng, nấu kẹo lạc đến viết khẩu hiệu thuê để phụ giúp gia đình và người mẹ đơn thân (bố Diệu mất từ khi cậu còn nhỏ). Cảnh sống nghèo khó cũng đã luyện rèn cho Diệu một bản lĩnh tự lập và tự nhận thức được rằng chỉ có con đường học tập mới có thể giúp cậu và gia đình thoát nghèo.

Sau nhiều nỗ lực, Trần Vĩnh Diệu thi đỗ vào khóa đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (năm 1956). Năm 1959, sau khi học hết 3 năm khoa Hóa hữu cơ, chàng sinh viên Trần Vĩnh Diệu được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Trường hóa kỹ thuật Mendeleev Moskva (Liên Xô).

Năm 1962, cử nhân Trần Vĩnh Diệu về nước với tấm bằng đỏ và được tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa. Rất đam mê với công tác nghiên cứu khoa học và cũng rất có duyên với nước Nga, nên nhiều năm sau đó, ông trở lại Liên Xô nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ.

Sau hơn 20 năm học tập, giảng dạy ở trong và ngoài nước, tới năm 1982, TSKH Trần Vĩnh Diệu về nước và tập trung toàn bộ trí lực cho việc giảng dạy, đặc biệt là môn hóa lý pôlyme. Từ đó đến nay, ông đã làm chủ nhiệm 6 đề tài cấp nhà nước và 5 dự án, tất cả đều đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng triển khai trong thực tế, tiết kiệm cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Nhiều công trình nghiên cứu của GS Diệu đã được ứng dụng tại Hà Nội như: Chế tạo keo ghép đá tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế tạo vòng bảo vệ máy bay, chế tạo gối cầu cao su cốt bản thép cho cầu qua sông Kim Ngưu, sử dụng composit chế tạo dải phân cách và lan can phòng hộ, chế tạo sơn bảo vệ bồn chứa rượu vang của Công ty Rượu vang Thăng Long...

Là tác giả, đồng tác giả nghiên cứu hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học thành công, GS Diệu tâm sự rằng ông vẫn tâm đắc nhất là công trình “Nghiên cứu keo kết cấu từ nhựa epoxy dian và công nghệ dán các loại đá quý phục vụ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là công trình đầu tay do ông và người bạn đời là PGS.TS Lê Thị Phái cùng hợp tác nghiên cứu.

Lật lại bản vẽ năm xưa thiết kế lá cờ đỏ sao vàng và búa liềm bằng đá đỏ hoa cương gắn trong phòng đặt linh cữu của Bác Hồ, GS Diệu bồi hồi kể: “Năm 1974, Bộ Chính trị chủ trương gắn lá cờ đỏ sao vàng, búa liềm bằng đá lên tường, nơi phòng đặt thi hài Bác. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để gắn kết những viên đá quá nhỏ lại với nhau để thành một diện tích đá hoa cương hàng chục mét vuông, tạo thành dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" ở trước Lăng; hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc phía trong Lăng? Và trọng trách tìm ra công nghệ gắn kết đó được giao cho Trường ĐH Bách khoa”.

“Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa lúc đó là GS Trần Đại Nghĩa đã trực tiếp giao nhiệm vụ này cho tôi. Tôi và người bạn đời của mình đã suy nghĩ rất nhiều, bởi lúc đó kỹ thuật còn lạc hậu, máy cắt, mài cũ kỹ, để mài được những viên đá đều, đẹp gắn thành một khối lớn là một kỳ công”, GS Diệu nhớ lại.

Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cộng với kiến thức tích lũy được sau nhiều năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, GS Diệu cùng người bạn đời của mình - PGS. TS Lê Thị Phái và một số đồng nghiệp khác ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo ra một loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính cao, đủ sức chống chọi với thiên nhiên. Chất keo ấy đã gắn kết hơn 4.000 mảnh đá nhỏ thành những khối hình đẹp và bền chặt cho đến ngày nay. Từ đây, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông tiếp tục dài thêm với rất nhiều công trình mang tính ứng dụng cao.

“Hãy coi mỗi ngày là một mùa xuân…”

“Dù xã hội thế nào cũng nên đánh một dấu cộng chứ đừng đánh dấu trừ. Hãy coi mỗi ngày là một mùa xuân với biết bao điều tốt đẹp, cho dù cuộc sống còn không ít những khó khăn…”, GS Diệu chân thành nói với chúng tôi.

Với cách nghĩ đó nên cho đến giờ, khi đã ở tuổi 74, GS Diệu vẫn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ước mong mang lại nhiều ứng dụng khoa học hơn nữa cho cộng đồng. Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn bên những công trình nghiên cứu, vẫn cặm cụi viết sách, ân cần hướng dẫn các nghiên cứu sinh, đã có trên 900 kỹ sư và 15 tiến sĩ đã được ông hướng dẫn, đào tạo.

Ông tâm sự, với riêng Hà Nội, dù không sinh tại đây nhưng GS Diệu luôn biết ơn mảnh đất ngàn năm văn hiến đã nuôi dưỡng, đưa ông đến với con đường nghiên cứu khoa học. GS Diệu mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đóng góp thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho đất và người Hà Nội. Vậy nên, những ngày giáp Tết này, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu vẫn say mê nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu và triển khai vật liệu pôlyme gia cường bằng sợi thực vật để tạo ra thế hệ vật liệu mới thân thiện với môi trường”.

Và Tết này, trong câu chúc của bạn bè, đồng nghiệp và lớp lớp học trò xa gần chắc hẳn sẽ có thêm lời chúc mừng vị giáo sư già đáng kính là 1/10 Công dân ưu tú Thủ đô năm 2011. Đó chính là “mùa xuân nho nhỏ” dành tặng “ông già composit” sau những đóng góp khoa học rất có giá trị mà GS Diệu đã dày công nghiên cứu cho nền khoa học nước nhà.

Hà Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN