“So với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 quá cao, mức độ tăng tiền lương thực tế của người lao động chưa đáng kể”. Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhận định như vậy, sau khi công bố kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp (DN) năm 2011 vào hôm qua (19/1).
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trả lương cao nhất
Cuộc điều tra do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành với 1.660 DN sử dụng từ 10 lao động trở lên tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước và có thị trường lao động phát triển. Số DN điều tra chỉ chiếm 3% số DN đang hoạt động. Sở dĩ số lượng DN điều tra không nhiều, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, kinh phí cấp cho việc thực hiện điều tra bị hạn chế.
Kết quả thu thập được từ số liệu của 1.660 DN cho thấy, tiền lương và thu nhập trên danh nghĩa ở các loại hình DN đều tăng. Tiền bình quân của người lao động năm 2010 là 3,21 triệu đồng/người/tháng; còn năm 2011 là 3,84 triệu đồng/người/tháng (tăng 19,6% so với năm 2010). Thu bình quân của người lao động năm 2010 là 3,51 triệu đồng/người/tháng; còn năm 2011 là 4,17 triệu đồng/người/tháng (tăng 14,64% so với năm 2010). Ở khối DN có lợi nhuận trong năm 2011, tiền lương bình quân của người lao động bằng 1,4 lần tiền lương bình quân ở các DN không có lợi nhuận, hoặc lỗ.
Tiền lương cao nhất là tiền lương bình quân của người lao động ở DN 100% vốn nhà nước (4,41 triệu đồng/người/tháng). Tiếp đến là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối (3,88 triệu đồng/người/tháng), doanh nghiệp FDI (3,63 triệu đồng/người/tháng). Thấp nhất là DN dân doanh (3,32 triệu đồng/người/tháng).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI trả lương cho lao động quản lý cao hơn khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và DN cổ phần có vốn góp nhà nước chi phối. Song, lương của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh và nhân viên thừa hành, phục vụ lại có mức lương bình quân thấp hơn so với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Chênh lệch mức lương cao nhất với mức lương thấp nhất trong doanh nghiệp FDI bình quân khoảng 19,3 lần; còn trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ khoảng 8 lần và trong DN dân doanh khoảng 5,5 lần.
Lương thực tế tăng chưa đáng kể
Theo kết quả điều tra, trong các ngành, thu nhập của lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cao nhất với 5,61 triệu đồng/người/tháng. Lao động ở các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp thu nhập thấp nhất, với 3,78 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2011 là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lạm phát, giá cả các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng cao... Tuy nhiên, tiền lương tăng hơn so với 2010 “chủ yếu là bù trượt giá. So với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 quá cao, mức độ tăng tiền lương thực tế của người lao động chưa đáng kể”, bà Minh nói. Theo Tổng Cục Thống kê, CPI năm 2011 của nước ta bằng 18,58% so với năm 2010.
Yếu tố đóng góp chủ yếu cho điều này, theo bà Tống Thị Minh, một phần là do Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/10/2011- sớm hơn 1 quý so với quy định. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiết kiệm chi phí, tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh tiền lương người lao động để đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động.
Cuộc điều tra tình hình lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH tiến hành hàng năm. Điều tra này, mục đích nhằm thu thập các thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp. Đồng thời, công bố mức tiền lương, tiền công bình quân cảu các loại hình doanh nghiệp, một số ngành, nghề, công việc chủ yếu trên thị trường nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận mức tiền lương, tiền công theo quy định.
Thưởng Tết 2011 thấp nhất là 50.000 đồng
Tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH từ các Sở và các Ban quản lý các Khu công nghiệp cả nước cho thấy, tiền thưởng bình quân Tết Dương lịch năm 2012 của người lao động tại các công ty nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI là 928.000 đồng/người, bằng 88,6% so với mức thưởng Tết Dương lịch 2011.
Về thưởng Tết Nguyên đán 2012, mức thưởng bình quân là 3.218.000 đồng/người, bằng 120,2% so với năm 2011. Trong đó, thấp nhất là thưởng ở loại hình doanh nghiệp FDI với 50.000 đồng/người, là trường hợp doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty Nhà nước thưởng thấp nhất 200.000 đồng/người. Công ty cổ phần và doanh nghiệp dân doanh thưởng thấp nhất mức 100.000 đồng/người.
Tại TP.Hồ Chí Minh, mức thưởng cao nhất cũng rơi vào loại hình doanh nghiệp FDI, với 400 triệu đồng/người. Cao nhất của công ty cổ phần là 356 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh thưởng cao nhất là 250 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất của khối công ty nhà nước là 130.000 đồng/người.