Cử cán bộ công đoàn sang nước ngoài bảo vệ người lao động

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cho phép cử cán bộ công đoàn sang những nước có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc để cùng với đại diện của Cục Quản lý Lao động ngoài nước bảo vệ tốt hơn lao động nước mình khi làm việc ở nước ngoài”, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất như vậy tại hội thảo “Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” diễn ra ngày 17/11.

Hạn chế trong bảo vệ

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng 500.000 người lao động (NLĐ) nước ta đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường lớn như: Malaixia khoảng 90.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) trên 80.000 người, Hàn Quốc khoảng 45.000 người. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm chúng ta đưa được khoảng trên 60.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Riêng 5 năm trở lại đây, chúng ta đưa được gần 80.000 NLĐ đi mỗi năm.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, có nhiều việc phải làm để bảo vệ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, một đại diện của Ban Chính sách - Pháp luật (TLĐ) cho biết, hiện nay, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phần lớn chưa được tổ chức công đoàn trực tiếp bảo vệ. Thực tế, từ năm 1980, Việt Nam đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định giữa Chính phủ với Liên Xô và một số nước Đông Âu như CHDC Đức, Bungari, Tiệp Khắc. Trong thời gian này, TLĐ có cử cán bộ công đoàn tới làm việc tại các Đại sứ quán các nước để giám sát việc thực hiện chính sách với lao động Việt Nam tại các nước sở tại. Nhưng sau biến động chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu, đại diện công đoàn đều đã “rút”.

Từ năm 1990 đến nay, việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động đảm nhiệm. Việc giám sát, kiểm tra và bảo vệ lợi ích của NLĐ chủ yếu do các tổ chức này thực hiện. Công đoàn chỉ tham gia xây dựng chính sách pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong khi đó, hiện nay, khoảng 85 - 90% số lao động đi làm việc theo hợp đồng qua doanh nghiệp dịch vụ. Cả nước đang có 169 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ này. Tổng Liên đoàn Lao động thừa nhận, hoạt động giám sát, kiểm tra của công đoàn cơ sở đối với doanh nghiệp, đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuy đã được thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế.

Công đoàn cần “vào cuộc” mạnh

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) cho biết, để nâng cao hiệu quả việc quản lý NLĐ nước ta tại các thị trường xuất khẩu, bên cạnh những ban quản lý lao động ngoài nước đã có, Nhà nước đang tiếp tục mở thêm các ban quản lý, cử thêm cán bộ đại diện quản lý lao động tại các thị trường mới, tiềm năng. Đồng thời, chúng ta cũng liên tục củng cố và nâng cao năng lực các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, Cục sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của các nước nhận lao động Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa đại diện sang quản lý, hỗ trợ NLĐ. Cục cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp thẩm định kỹ các hợp đồng, phát hiện và xử lý kịp thời những phát sinh liên quan để bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam.
Đại diện Ban Chính sách - Pháp luật cho biết, tới đây, TLĐ sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật hiện hành, trước hết là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hợp đồng của người đi lao động nước ngoài phải có quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn. Với những nước có từ 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc trở lên, cần có đại diện của TLĐ sang làm việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động đối ngoại của công đoàn, đặc biệt đối với tổ chức lao động quốc tế (ILO) và công đoàn các nước có số lượng lớn lao động nước ta đang làm việc nhằm trao đổi thông tin, tiếp nhận sự ủng hộ của ILO và tổ chức công đoàn trong nước sở tại; ký kết các văn bản thỏa thuận, phối hợp với công đoàn các nước sở tại trong việc bảo vệ người lao động.
 
Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN