'Vừng ơi mở cửa' – bản hòa ca đa sắc của các thế hệ sinh viên Văn khoa

Một chút nhạc, một chút thơ, những câu chuyện, những kỷ niệm đẹp được những cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội chia sẻ trong đêm gặp gỡ và giao lưu nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa”, diễn ra vào tối ngày 7/12/2018, tại sân Ký túc xá Mễ Trì.

Chú thích ảnh
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ, cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp, người thầy, người bạn của nhiều thế hệ sinh viên, chủ nhiệm CLB thơ sinh viên Đại học Tổng hợp,

“Vừng ơi mở cửa” là tên gọi đêm giao lưu nghệ thuật, một bản hòa ca đầy sắc màu, một cuộc hội ngộ ấn tượng và ấm áp của các thế hệ sinh viên đã và đang học tập dưới mái nhà Ngữ văn Tổng hợp, nay là khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ý tưởng của đêm giao lưu nghệ thuật được khởi phát từ việc tập thơ “Vừng ơi mở cửa” - tập thơ sinh viên phát hành nội bộ từ năm 1991, được Nhà xuất bản (NXB) Văn học tái bản và đưa trở lại đời sống văn học với một diện mạo mới.

Khi cầm trên tay tập thơ mới được tái bản, những kỷ niệm, những kí ức về một thời tuổi trẻ non nớt nhưng đầy khát khao, đầy mơ ước ùa về. Người đọc như được đắm mình trở lại với không khí sinh hoạt thơ ca truyền thống của sinh viên khoa Ngữ văn khi xưa. Và những cựu sinh viên Văn khoa ấy quyết định tổ chức một đêm thơ nhạc, với mong muốn đưa “ngọn lửa” văn chương tiếp tục “cháy” qua nhiều thế hệ.

Chú thích ảnh
Nhà thơ-nhà báo Phùng Huy Thịnh (trái) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - đại diện cho thế hệ sinh viên Văn khoa “xếp bút nghiên lên đường ra trận” kể những kỷ niệm thời sinh viên. 

Tên tập thơ “Vừng ơi mở cửa” cũng được sử dụng làm chủ đề của chương trình giao lưu nghệ thuật, như câu “thần chú” để mở cánh cửa, bước vào khám phá thế giới tâm hồn, tìm lại ký ức một thời của những sinh viên Ngữ văn xưa.

Sự đan xen giữa thơ – nhạc – kịch và cả những đạo cụ gợi nhớ đến thời sinh viên đầy mơ mộng ngày xưa… từng bước tái hiện câu chuyện ngày trở về của những sinh viên Văn khoa các thế hệ.

Đêm nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa” được khởi động với bài thơ mở đầu trong tập thơ cùng tên, được chính tác giả bài thơ, chị Phạm Thị Thu Thủy thể hiện. Rồi đến nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đại diện cho thế hệ sinh viên Văn khoa “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và pháp luật, nhà thơ Trần Quang Dũng - những thành viên tham gia tích cực nhất vào phong trào thơ sinh viên thập niên 90 của thế kỉ trước...

Chú thích ảnh
Ca sỹ biểu diễn ca khúc "Bâng khuâng Trường Sa", phổ từ thơ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp.   

Đan xen giữa phần trình diễn đọc thơ của chính các tác giả, là phần thể hiện những ca khúc được phổ từ lời thơ của các cựu sinh viên Văn khoa. Đó là một “Bâng khuâng Trường Sa” của nhạc sỹ Lê Đức Hùng, lời thơ PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp, nay là Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam. Đó là ca khúc mang tên “Mẹ” của nhạc sỹ Phan Long, phổ thơ Đoàn Ngọc Thu, nay là Phó Tổng biên tập Báo điện tử Việt Nam Plus...

Giữa thơ, giữa nhạc, là những câu chuyện, kí ức, những kỷ niệm, những giai thoại, và cả những “bí mật” được lưu giữ của một thời tuổi trẻ cũng được các cựu sinh viên bật mí, chia sẻ trong đêm nghệ thuật… tất cả đã làm nên một bản hòa ca đa sắc, đưa mọi người ngược dòng thời gian, ngược dòng kí ức trở về thời thanh xuân tươi đẹp, trong trẻo ngày xưa.

Chú thích ảnh
Ca sỹ thể hiện khúc "Mẹ" phổ thơ nhà thơ - nhà báo Đoàn Ngọc Thu, cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp. 

Chia sẻ cảm xúc khi được đắm mình trong một không gian gợi nhớ đến thời sinh viên tươi đẹp, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, sinh viên Văn khoa K33 trường Đại học Tổng hợp, nay là Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, cho biết, dù đã ra trường gần 30 năm, nhưng có mặt trong đêm nghệ thuật này, anh có cảm giác thật thiêng liêng, thật xúc động.

"Tôi tự hào khi mình cũng là người được sinh ra từ cái nôi Văn khoa Tổng hợp. Thế hệ chúng tôi không có nhiều lựa chọn, không có nhiều thú vui, đọc và viết chính là niềm đam mê của chúng tôi khi đó, và là động lực để chúng tôi sáng tác. Những trang viết của thế hệ các anh chị đi trước, những trang viết của chúng tôi sau này… như nguồn sữa dung dưỡng tâm hồn, là hành trang để chúng tôi bước vào đời và trưởng thành như ngày hôm nay”, anh Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Không chỉ là cuộc hội ngộ của riêng sinh viên Văn khoa Tổng hợp, đêm nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa” còn là cuộc gặp gỡ của những người yêu thơ, đó là những người bạn đã từng giao lưu với CLB thơ Văn khoa ngày xưa, như CLB thơ trường Bách Khoa, CLB thơ trường Sư phạm, CLB thơ trường Kiến Trúc…

Chú thích ảnh
KTS - nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến, khách mời của đêm nghệ thuật đến giao lưu trong chương trình. 

Kiến trúc sư, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến, một trong những khách mời của chương trình chia sẻ, khi còn là sinh viên trường Kiến trúc, anh có rất nhiều kỷ niệm với sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp. Khi đó, CLB thơ Đại học Kiến trúc thường sang đọc thơ với các anh chị, các bạn CLB thơ trường Tổng hợp, và cùng chung sinh hoạt CLB thơ Sinh viên thành phố Hà Nội. Sau này, các anh chị, các bạn đã thành những người bạn đáng quý trong cuộc đời anh, các anh chị vẫn luôn đồng hành với nhau từ đó đến nay.

“Đến đêm thơ hôm nay, tôi có cảm giác như mình đang được ngồi trên một chuyến tàu đưa tôi trở về với quá khứ. Mỗi một tác phẩm, mỗi một bài thơ, mỗi một điều tâm sự, chia sẻ của các anh chị giúp tôi trở về quá khứ của hơn 20 năm trước...”, KTS- nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ.

Nhân dịp này, NXB Văn học cũng giới thiệu tập thơ “Vừng ơi mở cửa”, tập thơ gồm 37 bài thơ của các thành viên CLB thơ sinh viên Đại học Tổng hợp, xuất bản năm 1991, nay được NXB Văn học in lại.

Chú thích ảnh
Tập thơ "Vừng ơi mở cửa" vừa được NXB Văn học in lại với diện mạo mới. 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, sinh viên lớp Ngữ văn K15, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chia sẻ, đây là một tập thơ có số phận không bình thường. Tập thơ đã “biệt tích” suốt 27 năm rồi lại đột ngột, được nhà thơ-nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Báo Người đưa tin và Đời sống pháp luật tình cờ tìm lại được, và được NXB Văn học in lại với một diện mạo mới, có thêm phần lời bạt sau gần 30 năm.

Theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, không phải bài thơ nào ở trong tập thơ này cũng đều hay cả, có bài khá và có cả những bài trung bình. Nhưng điều quan trọng là các cây bút sinh viên đã giúp chúng ta giữ lại và nhớ lại một thời hoa bướm nằm giữa những trang sách, một thời mà nắng sân trường lung linh trong từng ánh mắt, một thời trong sáng tới mức không thể trong sáng hơn được nữa, một thời đã ra đi và biết bao giờ sẽ trở lại?! "Tất cả các cảm xúc đó đều hết sức chân thành, chính vì lẽ đó các cây bút góp mặt trong tập thơ 'Vừng ơi mở cửa' đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn, giúp ta lưu giữ những ký ức về thời thanh xuân tươi đẹp", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói. 

Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ, cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp, người thầy, người bạn của nhiều thế hệ sinh viên, cũng là chủ nhiệm CLB thơ sinh viên Đại học Tổng hợp, người phụ trách việc xuất bản tập thơ “Vừng ơi mở ra” năm 1991 chia sẻ: 37 tác giả có tên trong tập thơ là 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp ngày xưa.

Cho đến nay, sau gần 30 năm, trải qua vô vàn lựa chọn khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng những người có thơ, mang thơ trong lòng vẫn khẳng định được nhân cách, nhân phẩm của mình trong hành trình tồn tại đầy khắc nghiệt ấy. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, trở thành những con người có ích, có nhiều đóng góp cho xã hội.

"Vừng ơi mở cửa" không chỉ dành cho tất cả các thế hệ sinh viên đã và đang học tập dưới mái nhà chung Khoa Ngữ Văn trước kia và Khoa Văn học ngày nay mà còn dành cho cả những thế hệ sinh viên các khoa khác đã từng học tập và gắn bó với Đại học Tổng hợp, với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, với ký túc xá Mễ Trì. Đây là dịp để các thế hệ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, cùng tự hào về truyền thống của sinh viên Văn khoa Tổng hợp, cùng lưu giữ và trao truyền tinh thần đó cho các thế hệ sinh viên hôm nay.

Phương Phương/Báo Tin tức
Đêm hội 'Phố Hiến huyền thoại - Trầm tích phù sa sông Hồng'
Đêm hội 'Phố Hiến huyền thoại - Trầm tích phù sa sông Hồng'

"Phố Hiến huyền thoại - trầm tích phù sa sông Hồng" là chương trình biểu diễn nghệ thuật tại thành phố Hưng Yên tối 21/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN