Thị trường tranh Việt Nam đang gặp “nguy hiểm”

Theo đánh giá của nhiều họa sĩ, thị trường tranh của Việt Nam đang không hề ổn định nếu không muốn nói là Việt Nam vẫn chưa có một thị trường tranh thực sự. Thương hiệu tranh của Việt Nam còn đang bị mất uy tín vì không kiểm soát được hiện tượng đạo tranh.

Hoạt động manh mún

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, chủ Gallery Minh Hiền, kể: “Có lần, khi dẫn một số vị khách Nhật Bản tham quan thị trường tranh của Việt Nam, cả tôi và các vị khách đều ngỡ ngàng khi thấy tranh của các họa sĩ bày bán tràn lan ở các gallery, các bức tranh còn được bày ra cả ngoài vỉa hè; trong đó, nhiều bức lại “na ná” giống nhau, rất khó tìm được một tác phẩm có chất lượng. Những vị khách Nhật khi đó đã thể hiện rõ sự thất vọng và họ nói với tôi rằng, họ rất buồn, tại sao các gallery lại quảng bá nghệ thuật như vậy, tại sao các họa sĩ lại bị lãng phí tài năng đến thế”.

Các gallery, phòng tranh ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hoạt động mua - bán tranh.


Theo họa sĩ Bằng Lâm, Ủy viên Hội Mỹ thuật, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Thị trường tranh của Việt Nam hiện nay so với các nước ở khu vực và trên thế giới vẫn còn kém chuyên nghiệp. Các cửa hàng tranh, gallery xuất hiện rất nhiều, nhưng lại hoạt động manh mún, mạnh ai nấy làm. Chúng ta cũng chưa quản lý được hệ thống các gallery khi không kiểm soát được số lượng và chất lượng tranh treo bán. Các gallery cũng thoải mái tùy ý nâng giá tác phẩm theo sở thích của khách hàng theo kiểu “được giá thì bán” mà không phải chịu trách nhiệm về tác phẩm”.

Cũng theo họa sĩ Bằng Lâm, có hiện tượng định giá tác phẩm một cách tùy tiện như hiện nay là do khâu đánh giá tác phẩm của chúng ta còn kém. Có những bức tranh chỉ 5- 6 triệu đồng nhưng cũng có những bức tới 20 - 30 triệu đồng, độ chênh lệch lớn nhưng giá trị nghệ thuật chưa chắc đã tương xứng với giá tiền.

Ở nhiều nước, các gallery không chỉ là nơi treo bán các tác phẩm của họa sĩ mà còn là nơi giới thiệu những thành tựu nổi bật của hội họa, nhưng Việt Nam chưa được như vậy. Các gallery hiện nay chủ yếu hoạt động theo kiểu thương mại, mua - bán tranh. Cũng vì chỉ quan tâm tới mục đích thương mại nên chức năng quảng bá nghệ thuật, xây dựng thương hiệu tranh Việt Nam đã bị mờ đi.

Mất uy tín vì tranh giả

“Có một vị khách người Hàn Quốc đã từng tới Việt Nam và bỏ ra hơn 200.000 USD để mua một tập tranh của Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên sau khi thẩm định lại thì toàn bộ số tranh này đều là tranh giả mạo. Hay một ông chủ người Pháp đem ra đấu giá 1 bức tranh của Bùi Xuân Phái và một bức tranh lụa của Nguyễn Sáng, nhưng sau khi về Việt Nam tìm hiểu mới biết, bức tranh của Bùi Xuân Phái đang nằm trong bảo tàng, còn Nguyễn Sáng thì chưa bao giờ vẽ tranh trên chất liệu lụa”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể.

Không chỉ hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thương hiệu tranh Việt Nam còn đang đứng trước nguy cơ mất uy tín khi không thể kiểm soát được nạn tranh giả, đạo tranh tràn lan. Từ lợi nhuận thu được từ việc bán tranh của các họa sĩ ăn khách, đã mang đến cho các chủ gallery số tiền hời, nhưng cũng vì kiểu làm ăn chộp giật nên không thiếu trường hợp các gallery lại làm tranh giả, đạo tranh và tình trạng này vô hình chung đã ảnh hưởng xấu đến thương hiệu tranh Việt Nam.

Theo họa sĩ Ngô Việt Dũng, Giảng viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương: “Thị trường tranh của chúng ta đang “gặp nguy hiểm”. Một ví dụ thực tế là những bức tranh mạo danh của họa sĩ Bùi Xuân Phái hiện nay bán trên thị trường thậm chí còn nhiều hơn số tranh mà ông đã sáng tác. Hiện tượng làm tranh giả, đạo tranh tràn lan đôi khi làm cho chính tác giả bị “mang tiếng”, dần dần khách hàng sẽ không còn tin vào tranh của Việt Nam, nhất là giá trị các bức tranh bày bán tại các gallery”.

“ Để có một thị trường tranh cũng như thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, các đơn vị như Hội Mỹ thuật cần phải đứng ra làm giá đỡ, phải thành lập một hội đồng chung để thẩm định giá trị tác phẩm, để quản lý chất lượng tranh được bày bán. Đặc biệt, chúng ta phải thống nhất và định hướng được hoạt động của các phòng tranh, các gallery chứ không thể để tình trạng hoạt động tự do, mạnh ai nấy làm như hiện nay”, họa sĩ Bằng Lâm nhấn mạnh.

Tạ Nguyên


Trưng bày cổ vật và tranh của các danh họa Việt Nam
Trưng bày cổ vật và tranh của các danh họa Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Những người yêu Cổ ngoạn Hà Nội đã tổ chức cuộc trưng bày “Văn hóa cổ vật và tranh mỹ thuật đương đại - niềm tự hào dân tộc”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN