In nối bản, thiếu trang, cắt xén nội dung, vi phạm bản quyền, “luộc” những cuốn sách kém chất lượng... là những sai phạm nổi cộm liên quan đến liên kết xuất bản sách được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây. Những lỗ hổng trong liên kết xuất bản đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, giờ vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Không thể phủ nhận, việc liên kết giữa các nhà xuất bản với các thành phần kinh tế khác (phần lớn với các công ty tư nhân) đã mang lại bộ mặt mới cho hoạt động xuất bản. Nhờ liên kết xuất bản mà thị trường sách trở nên phong phú hơn, giá thành sách hạ, giúp người đọc có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với kho tri thức của nhân loại.
Thông qua hoạt động liên kết xuất bản, đã xuất hiện một vài điểm sáng khi một số đơn vị phát huy tính năng động, đã cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị phục vụ người đọc. Tuy nhiên, có những sai phạm đáng tiếc xảy ra xuất phát từ việc buông lỏng công tác quản lý, như xuất bản sách có nội dung xấu; sách mê tín dị đoan; vi phạm bản quyền tác giả; xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Theo Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ riêng trong năm 2013, đã phát hiện 255 cuốn, trong đó có 124 cuốn bị xử lý về nội dung. Chỉ 9 tháng đầu năm 2014 đã có 169 cuốn bị phát hiện, trong đó 79 cuốn sai về nội dung. Gần đây nhất là việc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội đã phát hành hai cuốn sách có trang bìa sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung của sách, dễ gây suy diễn.
Thị trường sách đang có nhiều biến động khi sách liên kết xuất bản chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN. |
Cụ thể, cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, bìa sách in hình một người thật, hai tay cầm hai cán cân và đứng trên một quả cầu lửa, trên người chỉ mặc chiếc quần lót. Hình ảnh được cho là cắt ghép cẩu thả, lấy khuôn mặt của diễn viên Công Lý ghép vào thân hình một người khác. Còn cuốn “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, bìa sách in hình hai đĩa cân, một bên để chiếc đồng hồ, một bên để một xấp tiền ngoại tệ, hết sức phản cảm.
Theo thống kê, cả nước có 64 nhà xuất bản, nhưng số nhà xuất bản năng động, có uy tín trên thị trường không nhiều. Có nhà xuất bản, hoạt động chính là kinh doanh giấy phép, các công việc còn lại đều do phía đối tác (chủ yếu là các công ty tư nhân) lo, như mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, chế bản, trình bày, in ấn, phát hành...
Nhà xuất bản vốn được xem là “chốt chặn” để kiểm soát nội dung, nhưng nó dường như mất tác dụng, khi giấy phép xuất bản được coi là nguồn thu giúp các nhà xuất bản tồn tại. Ngoại trừ một vài nhà xuất bản làm việc nghiêm túc, kiểm soát nội dung chặt chẽ, còn lại hầu như rất ít kiểm soát lại nội dung sách trước khi đưa ra phát hành.
Cũng theo Cục Xuất bản, in và phát hành, sách sai sót được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gần đây, phần lớn rơi vào các nhà xuất bản có đội ngũ biên tập yếu kém, quản lý tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, không tuân thủ đúng quy trình biên tập đọc và duyệt bản thảo, duyệt phát hành...
Thực tế, với nhiều đơn vị tư nhân, nhà xuất bản chỉ còn là nơi để chạy giấy phép. Khi xảy ra sai phạm và bị kiểm tra, nhiều nhà xuất bản không trưng ra được hồ sơ biên tập, thậm chí là bản thảo gốc... Đáng lưu ý, do đặt nặng mục đích lợi nhuận, một số nhà xuất bản đã tiếp tay cho sách lậu, sách không được kiểm duyệt kỹ về nội dung (quan trọng là đóng đủ tiền giấy phép, chứ không mấy quan tâm nội dung cuốn sách như thế nào), gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm hoạt động xuất bản đi chệch hướng.
Cần khẳng định rằng, việc liên kết xuất bản là cần thiết và nếu phát huy mặt mạnh, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Luật Xuất bản cũng cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và nguồn lực tham gia liên kết xuất bản. Ðiều quan trọng là phải quản lý, định hướng hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Cũng cần phải nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng yếu kém trong hoạt động của các nhà xuất bản, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan chủ quản.
Vấn đề đặt ra, cùng với khẩn trương bịt những lỗ hổng trong liên kết xuất bản sách, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp hơn, đồng thời có biện pháp hỗ trợ các nhà xuất bản tìm ra mô hình thích hợp để tồn tại, phát triển. Với các nhà xuất bản, trong khi chờ một mô hình mới, các nhà xuất bản cần phải nỗ lực, tự đứng vững trên đôi chân của mình, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xuất bản.
Yến Nhi