Song song với những câu chuyện ký ức về quê hương, gia đình, người thân, về những năm tháng ấu thơ và trưởng thành, theo năm tháng, “cô bé nhìn mưa” còn ghi lại những hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại.
Đáng nói, "Cô bé nhìn mưa" được viết khi tác giả 78 tuổi - kí ức của một con người đi xuyên thế kỉ, có nét từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời, lại vừa mang âm hưởng tươi vui hóm hỉnh của "cô bé nhìn mưa" bên cửa sổ làng Quỳnh năm nào.
Hơn nữa, tác giả, là người có tâm hồn biết cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng bình thường của cuộc sống ngay từ nhỏ, biết kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc liên tưởng của phương Đông.
Bởi thế, đọc hồi kí của Đặng Thị Hạnh, không chỉ là đọc đời tư của một cá nhân, một con người rất cụ thể, mà là đọc về một thế hệ xưa để biết, để hiểu, ngoài ra còn là lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những "hồi ức" ấy.
Là con gái thứ hai của cố giáo sư Đặng Thai Mai, đồng thời là người đóng góp rất lớn cho ngành khoa học Văn học, đặc biệt là chuyên ngành Văn học Pháp, tác giả Đặng Thị Hạnh trong hồi ký “Cô bé nhìn mưa” như tách ra làm đôi, một bên là dành cho ghi chép hiện thực, một bên là để chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời và văn cương.