Thông tin ban đầu cho thấy 5 thuyền trưởng này đã liên tục kháng cáo Toà án đảo Ranai, Indonesia vì cho rằng có sự khác biệt trong xác định toạ độ khi bị bắt và toạ độ được nêu trong cáo trạng của tòa án Indonesia. Từ đó dẫn đến việc cơ quan Công tố Ranai kết luận các ngư dân vi phạm vùng biển Indonesia khi khai thác trái phép. Trong khi đó, các thuyền trưởng tin rằng mình bị bắt khi đang khai thác trong vùng biển của Việt Nam.
Ngày 15/11, đại diện ĐSQ, ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự, đã có buổi làm việc với cơ quan công tố đảo Ranai, đề nghị cơ quan này căn cứ luật pháp quốc tế cũng như luật pháp sở tại của Indonesia để xét xử công minh các ngư dân Việt Nam.
Ngoài ra, ĐSQ cũng đề nghị phía Tòa án Ranai khi luận tội các ngư dân cần đưa ra chứng cứ có độ tin cậy cao và có thể kiếm chứng được, đặc biệt là xác định chính xác tọa độ của tàu cá Việt Nam vào thời điểm bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt, tránh đưa ra các bản án oan sai cho ngư dân Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, ĐSQ đã đề nghị Toà án Ranai sớm giải quyết các vụ án tồn đọng khác, tránh kéo dài thời gian tạm giữ các thuyền trưởng để họ phải chờ đợi quá lâu trước khi được xét xử, dẫn đến thời gian thụ án bị kéo dài. ĐSQ cũng đề nghị cơ quan Công tố Ranai gửi thông báo cho ĐSQ và mời ĐSQ tham dự các phiên tòa.
Đại diện cơ quan công tố Indonesia, ông Waher Thorhiran, Trưởng phòng truy tố tội phạm, Văn phòng công tố đảo Ranai đã đánh giá cao sự có mặt của đại diện ĐSQ Việt Nam trong phiên toà sẽ diễn ra vào ngày 16/11, đồng thời cam kết sẽ xét xử vụ án một cách công minh dựa trên pháp luật hiện hành của Indonesia.
Theo cơ quan trên, luật pháp Indonesia quy định đối với các thuyền viên và thuyền trưởng phạm phải những tội danh như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) khai thác trái phép sẽ không bị xét xử hoặc giam giữ mà được thả ngay sau khi hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, điều khoản bảo vệ môi trường lại rất chặt chẽ.
Các phương tiện, tàu thuyền sử dụng lưới giã cào (còn gọi là lưới kéo, lưới cào, lưới vét), một công cụ có tính tận diệt cao và bị cấm theo luật bảo vệ môi trường của Indonesia, dẫn đến việc toà án đưa ra xét xử các thuyền trưởng theo hướng gây ra các thiệt hại về môi trường (giá trị thường dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ rupiah tuỳ thuộc vào số lượng cá bắt được - tương đương 36.000 - 145.000 USD). Nếu không có tiền phạt thì quy đổi thành các án phạt tương đương từ 6 tháng đến 2 năm. Tài sản và tàu sẽ bị tiêu hủy theo chính sách xử lý của Indonesia.
Mặc dù vậy, Cơ quan công tố Ranai cũng cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng tọa độ của các tàu cá Việt Nam bị bắt. Phía ĐSQ cũng đề nghị nếu không đủ bằng chứng kết án hoặc bằng chứng không tin cậy thì các ngư dân phải được trả tự do ngay tại tòa, không bị phạt, đồng thời các phương tiện đánh bắt cũng phải được thả vô điều kiện.
Cùng ngày, sau cuộc gặp các ngư dân chuẩn bị bị đưa ra xét xử, trong đó có 5 thuyền trưởng nêu trên, ông Nguyễn Thanh Giang cho biết tình trạng sức khoẻ các thuyền trưởng vẫn ổn định. Tuy nhiên, về tinh thần, họ lo lắng vì thấy bị oan sai. Động viên các thuyền trưởng, ông Nguyễn Thanh Giang cũng thông tin về tinh thần buổi làm việc với cơ quan công tố Ranai, đồng thời thông báo sẽ có đại diện ĐSQ trong phiên toà xét xử ngày 16/11 để theo sát những diễn biến, qua đó có biện pháp xử lý, đấu tranh phù hợp khi thấy có dấu hiệu oan sai.