Năm học mới 2014 - 2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trương đẩy mạnh một số phương pháp dạy học mới, trong đó có Mô hình trường học mới VNEN bậc tiểu học, bàn tay nặn bột bậc THCS, dạy học tích hợp tăng cường giáo dục chủ quyền biển, đảo...Để thực hiện việc này, trong 2 tháng hè qua, cả nước đã có hàng nghìn giáo viên bậc tiểu học được tập huấn kiến thức mới về dạy học theo Mô hình trường học mới (VNEN).
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Dự án mô hình trường học mới VNEN Phạm Ngọc Định: Để thay đổi căn bản các hoạt động giáo dục trong nhà trường tiểu học, ngay từ khâu tập huấn giáo viên cũng cần đổi mới. Theo đó, đây là năm đầu tiên các giảng viên tập huấn không giảng giải lý thuyết mà thông qua tổ chức các hoạt động trải nghiệm để hình thành kiến thức, kỹ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, kỹ năng cho học viên; giúp học viên thực hành, ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế; đồng thời bổ sung cơ sở lý luận, khoa học khi cần thiết.
VNEN là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, xoá bỏ những bất cập của cách dạy truyền thống nhằm tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo bầu không khí học tập thân thiện. Việc thực hiện mô hình này bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là với cô và trò ở các vùng dân tộc.
Đến nay đã có khoảng 2.500 trường tiểu học áp dụng mô hình VNEN.
|
Năm nay là năm thứ 3 VNEN được áp dụng vào Việt Nam. Đến nay có gần 2.500 trường tiểu học triển khai mô hình này, riêng vùng dân tộc là gần 1.500 trường. Riêng năm học mới 2014 - 2015, có thêm hàng trăm trường tiểu học tự nguyện tham gia mô hình.
Qua 3 năm triển khai cho thấy, mô hình VNEN có nhiều ưu điểm có thể sử dụng đối với lớp ghép. Đặc trưng tổ chức học sinh học theo nhóm của mô hình VNEN rất phù hợp với yêu cầu của các lớp ghép. Trong mô hình VNEN, giáo viên là người tổ chức, hỗ trợ học sinh hoạt động. Các học sinh tự giác, tích cực, chủ động trong việc tự học. Các yếu tố này rất phù hợp với lớp ghép vì có sĩ số học sinh rất ít. Trong điều kiện này yêu cầu dạy học cá thể hóa của VNEN không mấy khó khăn.
Trong lớp ghép, học sinh có thể hỗ trợ lẫn nhau: các em lớp trên hỗ trợ các em lớp dưới. Tài liệu hướng dẫn học VNEN với các logo rõ ràng, cụ thể giúp học sinh thực hiện từng bước học tập dễ dàng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mô hình VNEN ở lớp ghép, mỗi huyện, mỗi trường phải sáng tạo, tìm ra cách làm riêng phù hợp với điều kiện học tập và hoàn cảnh học sinh
Theo đánh giá của nhiều giáo viên đứng lớp, sau một thời gian triển khai mô hình VNEN đã có một sự thay đổi lớn đối với học sinh vùng cao. Các em mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập cũng như trong giao tiếp. Chất lượng tiết học cũng được nâng cao rõ rệt. Với việc hầu hết hoạt động dạy - học đều được thực hiện theo nhóm, các em cùng nhau thảo luận nên dần hình thành thói quen làm việc trong môi trường tập thể; từ đó rèn luyện kỹ năng chung sống cộng đồng rất tốt cho các học sinh, nhất là học sinh vùng cao, sống trong môi trường có nhiều đồng bào các dân tộc cùng chung sống.
Vượt qua những rào cản ban đầu về ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, các em học sinh học theo mô hình VNEN ở vùng cao bây giờ đã có thể tự tin thể hiện mình. Các em không còn thụ động theo kiểu bảo gì làm đó, đọc gì chép đó nữa mà mạnh dạn trao đổi bài với nhau, với cô giáo để tìm ra lời giải.
Chính vì những ưu điểm nổi bật nêu trên nên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định nhấn mạnh: Năm học mới 2014 - 2015 và các năm sau nữa, mô hình VNEN sẽ được nhân rộng trong cả nước. Những nơi chưa có điều kiện áp dụng toàn bộ cách tổ chức dạy - học theo mô hình này thì có thể áp dụng từng phần, từng nội dung của mô hình VNEN, đưa giáo dục Việt Nam hội nhập giáo dục quốc tế.
Ngọc Anh