Vàng A Phủ làm lại cuộc đời

Mới 38 tuổi đời, Vàng A Phủ, dân tộc Giấy ở thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã có một cơ ngơi tương đối khang trang và trở thành gia đình khá giả nhất trong thôn. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công ấy, chủ ngôi nhà đó đã phải trải qua những năm tháng dài không tốt đẹp lắm. Đó là bị tù tội vì uống rượu say gây gổ đánh nhau dẫn đến án mạng.


Ngoài chăn nuôi, Vàng A Phủ còn chú trọng phát triển nghề mộc.

 

Tôi gặp Vàng A Phủ khi anh chân ướt chân ráo vừa đi tìm mua dê về nuôi. Bên chén chè nóng, anh bồi hồi nhớ lại: Năm 18 tuổi, mình lấy vợ và sinh được một cháu gái. Năm sau, trong một lần uống rượu do mâu thuẫn chuyện tiền nong từ trước, mình cùng mấy anh em đã đánh người và dẫn đến án mạng chết người. Ngày 30/6/1995, mình bị kết án tù chung thân. Lúc này, mình suy nghĩ tương lai đã chấm hết từ đây.


Nhưng trong quá trình tại trại giam, Vàng A Phủ đã được cán bộ quản giáo động viên, tuyên truyền giáo dục và được học nghề mộc. Cộng với sự nỗ lực, ý chí phấn đấu cải tạo tốt, anh đã được giảm án, ân xá trước thời hạn. Năm 2010, anh được ra tù. Trở về địa phương, biết anh là người có ý chí phấn đấu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban Mông Tiến Bộ là người đầu tiên đã đến tận nhà động viên anh tích cực lao động sản xuất làm ăn. Vốn có nghề mộc được học trong trại và tận dụng nguồn gỗ sẵn có của gia đình, anh vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc, mua máy xẻ, máy bào để đóng giường, tủ, bàn ghế phục vụ nhu cầu của bà con. Nhờ có tay nghề, bàn ghế anh đóng hình thức khá đẹp, giá cả hợp lý nên làm đến đâu người dân đặt mua hết đến đó.


Bên cạnh đó, anh còn đẩy mạnh chăn nuôi trâu, lợn, gà và tăng gia sản xuất trồng 2,5 ha lúa và 1,5 ha ngô; mỗi năm thu hoạch đạt hơn 6 tấn lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi trong gia đình vừa dành một phần đem bán. Do đó, đời sống kinh tế của gia đình anh khá lên từng ngày. Vốn sẵn có tính năng động, cần cù chịu khó, anh còn nhận thêm khoanh nuôi, bảo vệ 20 ha rừng và tham gia trồng cỏ nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, đặc biệt là vào mùa đông.


Ngày 30/4/2013, biết huyện Mèo Vạc có chủ trương triển khai Đề án chăn nuôi ngựa bạch tại xã Nậm Ban, anh đã đến đăng ký xin nhận nuôi và được cấp ủy, chính quyền xã rất ủng hộ; được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống và kinh phí làm chuồng trại. Anh tâm sự: Lúc đầu nhận 10 con về nuôi, gia đình mình cũng rất lo vì ngựa bạch là loài khó nuôi, ngoài ăn thức ăn thô xanh ngựa còn ăn nhiều thức ăn tinh. Hơn nữa, anh chưa có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi. Biết ngựa bạch có giá trị kinh tế rất cao và chữa được nhiều bệnh, như: Viêm khớp, bệnh hen phế quản, bệnh lao, bồi dưỡng cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh, người già kém ăn mất ngủ,… vì vậy, anh đã bàn với vợ thuê người trồng thêm 2 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho ngựa và nấu thêm rượu để tận dụng bã chăn nuôi. Nhờ đó mà đàn ngựa của gia đình anh đã phát triển rất tốt. Đến nay, mỗi con bán đi có giá trung bình 40 triệu đồng, cả đàn cũng gần 400 triệu đồng. Và anh đã trở thành người đầu tiên ở xã Nậm Ban nuôi ngựa bạch.


Nhận xét về anh, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban Nguyễn Quốc Huy cho biết: Vàng A Phủ là một người nhanh nhẹn, năng động và có ý chí phấn đấu làm giàu. Do đó, khi có đề án nuôi ngựa bạch, anh đã rất nhanh tay chủ động đề xuất với xã nhận nuôi ngay. Nên giờ đây có thể nói gia đình anh thuộc loại khá nhất trong thôn Nà Tằm.


Nhờ có ý chí làm giàu và tinh thần vượt khó đi lên mà Vàng A Phủ đã xây dựng được ngôi nhà tương đối khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền khác. Thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt hơn 150 triệu đồng và được người dân trong thôn quý mến vì nghị lực vươn lên vượt khó.


Bài và ảnh: Quỳnh Lưu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN