Đối với người miền xuôi, câu chuyện cúng bằng thịt chuột thật lạ lẫm, nhưng với 52 hộ người Dao Tiền ở xã Tân Pheo, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, thì cỗ cúng ở ngôi miếu của bản bắt buộc phải có thịt chuột khô mới thiêng. Trên bàn thờ ba ngày Tết cũng phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.
Thịt chuột treo gác bếp dành cho những buổi cúng thần. |
Ngày tết, bát hương của gia đình người Dao nhà nào cũng có ba tờ tranh, ba cây vầu, ba cây nứa, bánh trôi nặn hình rắn, hươu, khỉ, gấu để cúng. Con cháu cúng cho tổ tiên quần áo, lợn gà, rượu gạo và không thể thiếu thịt chuột khô để cho người chết no đủ, phù hộ mình cả năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe nhiều nhiều. Ma họ nào họ nấy cúng, ma nhà nào nhà nấy cúng.
Mùng 2 Tết, mỗi hộ trong bản cúng hai con chuột khô (chuột làm sạch, sấy trên gác bếp), một cái bánh chưng, một chai rượu, một mảnh giấy cầu đầu năm làm nương được mùa, làm tiền được tiền, nuôi vịt nuôi gà đừng cho diều hâu bắt, chăn trâu, chăn bò không bị lăn dốc, rắn rết độc cắn, dịch bệnh không lây lan, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn.
Để có chuột khô mà cúng, gặt xong tháng 11, tháng 12, người dân phải đi đặt bẫy chuột rừng bằng càm nứa. Chuột rừng nhỏ con nhưng thịt chắc, nấu rất nở.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Chí Thanh thì tổ tiên xa xưa của người Dao Tiền khi đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói, chịu rét, thức ăn vô cùng khan hiếm, còn chuột thì nhiều vô kể.
Cũng chính vì vậy mà thịt chuột trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Sau này khi đã khấm khá, người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét nên lập miếu thờ và tôn chuột thành thần. Vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên trên mâm cơm cũng không bao giờ thiếu thịt chuột khô.
Xuân Tân Mão này, lên huyện vùng cao Đà Bắc, khách quý được bà con mời rượu, nhấm nháp món thịt chuột rừng sấy khô, hẳn sẽ khó quên cái hương vị lạ lẫm của miền sơn cước.
Ông Triệu Văn Hem, một người dân ở xóm Bương, kể: Bản người Dao nào cũng có miếu thờ con ma rừng. Khi đến một vùng đất mới lập bản, người già chọn đất làm miếu bằng hai mảnh đoạn gốc của cây vầu gọi là tráo.
Cây làm tráo được chọn rất kỹ trong cả khu rừng vầu lắm khi mới chọn được một cây đủ tiêu chuẩn. Khi cây vầu được ngả xuống kiêng tuyệt đối không ai được bước qua kẻo tráo mất linh. Miếu của người Dao rất thiêng, tuyệt đối kiêng không được làm nhà gần, không được thả trâu bò, gia súc gần miếu, cũng không được di chuyển đồ vật trong miếu hay chặt cây cối gần miếu.
Dân bản còn kiêng không được dọn miếu trong dịp ngày thường mà chỉ dọn trong ba ngày Tết, lễ. Có thế thì ma miếu mới phù hộ cho dân bản.
Nhan Sinh