Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ đổi mới – hội nhập và phát triển của đất nước”, Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất diễn ra tại tỉnh Lai Châu từ ngày 27 – 29/12/2014 đang đem đến nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, thu hút đông đảo du khách gần xa đến thưởng lãm. Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Đến với ngày hội, 8 tỉnh có đông đồng bào các dân tộc Thái sinh sống là Lai Châu, Sơn La, Lào Cai; Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An và Thanh Hóa đã tái hiện rất nhiều những lễ hội đặc sắc và độc đáo của địa phương mình trong không gian văn hóa du lịch như Then Kin Pang; lễ hội Cầu mưa; lễ Chá Chiêng; lễ Sên Lẩu Nó… Đây không chỉ là cơ hội để các tỉnh giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương mình mà còn giúp mọi du khách tìm hiểu những nét dân tộc Thái huyền bí mà độc đáo.
Nếu ai đã lên Tây Bắc một lần nhưng chưa có dịp để chứng kiến cách làm và thưởng thức hết ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái thì Ngày hội là cơ hội để mọi người có thể tận mắt quan sát cách chế biến món ăn cũng như được nếm chọn hương vị đặc sản của người Thái qua các không gian ẩm thực đặc sắc. Đó là hương vị đậm đà của bánh chưng đen được hòa quyện vào hương thơm dẻo của gạo nếp, thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đổ xanh đến vị lạ của cây rừng.
Đặc biệt, có nhiều món ăn truyền thống, độc đáo có từ lâu đời, được đồng bào dân tộc thái rất yêu thích như: nậm pịa, rêu đá, chẩm chéo, mắc khén, thịt sấy, cá suối nướng, nộm bì trâu… Qua đây, nhiều người biết quý trọng hơn những bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Thái bởi tài năng “biến hóa” những món ăn tưởng như giản đơn mà hấp dẫn đến kỳ lạ.
Nghi thức trong nghi lễ Xăng Khang của dân tộc Thái ở Nghệ An. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Xôi tím là một trong những đặc sản của người Thái được nhiều người biết đến. Để tạo màu cho xôi, chị em đã sử một loại cây rừng có tên là Khẩu cắm. Cây Khẩu cắm bẻ cành bẻ lá được đun sôi, nước sẽ chuyển màu tím sánh. Những hạt gạo nếp nương không lẫn tạp được ngâm nước 6 – 8 tiếng rồi đem nhuộm Khẩu cắm. Chị Lò Thị Thim, dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ kinh nghiệm, để hương vị xôi tím thêm thơm ngon, phải sử dụng củi đốt còn mới, chõ gỗ đồ xôi phải sạch sẽ, không có cặn. Lửa luôn đều cho đến khi xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, hạt bóng dẻo không dính.
Là du khách đến từ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chị Tòng Thị Bâng tới Ngày hội với mong muốn được nhìn tận mắt những cách chế biến món ăn mà bản thân chị là người dân tộc Thái cũng chưa biết được hết. Chị Bâng phấn khởi cho biết, tôi là người Thái nên cũng có được thưởng thức nhiều món ăn của dân tộc mình. Nhưng về cách làm, cách chế biến thì chưa có cơ hội nào để học hỏi. Biết có ngày hội dân tộc Thái, tôi phải đi để xem và học hỏi thêm. Sau này về còn có thể dạy lại cho con cháu mình.
Trong khuôn khổ ngày hội, các đoàn tham gia đều có những gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái mỗi vùng miền. Những sản phẩm trưng bày như đệm bông gạp, áo cóm, túi khăn, đàn tính, cây sáo… cũng đang trở thành một trong những vật lưu niệm nho nhỏ để làm quà biếu tặng người thân.
Đến từ huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, anh Hà Văn Muôn đang chọn cho mình những món quà để kỷ niệm bạn bè và người thân. Đây là lần đầu tiên anh Muôn lên Tây Bắc, đến Lai Châu và may mắn lại vào đúng dịp tổ chức sự kiện văn hóa Thái. Anh Muôn cho biết: “Đến đây nhìn vật lưu niệm nào cũng muốn mua về. Ở quê tôi cũng có những sản phẩm ấy nhưng quan trọng là được mua tại ngày hội này. Không khí ở đây rất vui, tôi có cảm giác như đang ở quê hương mình vậy”.
Trong không khí ngập tràn bản sắc văn hóa Thái vùng cao, các hoạt động múa xòe, múa sạp cùng với những nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái cũng được tổ chức. “Câu chuyện gia đình dân tộc Thái” được giới thiệu thông qua không gian trưng bày các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Thái. Qua đây người thưởng lãm có thể hình dung rõ hơn cuộc sống, con người và những nét đặc trưng của dân tộc Thái nơi vùng quê họ đang sinh sống. Tất cả mọi người như được sống trong không gian văn hóa truyền thống từ ngàn xưa…
Múa sạp của tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Riêng đối với Lai Châu, là tỉnh Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng, do đó Lai Châu có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất 2014, Lai Châu là tỉnh đăng cai tổ chức. Điều này được xem là cơ hội rất lớn để tỉnh Lai Châu quảng bá, giới thiệu những thắng cảnh và những sắc màu văn hóa dân tộc độc đáo đến khách du lịch xa gần.
Chị Hà Thu Mai, người dân thành phố Lai Châu cho rằng, chắc chắn sau sự kiện lần này, sẽ có nhiều khách du lịch đến với Lai Châu hơn vì cũng như bản thân tôi, ở đây mọi người được thưởng lãm nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc. Tôi tin là thời gian tới những địa phương tiếp tục đăng cai ngày hội văn hóa dân tộc Thái cũng sẽ là một điều kiện tốt cho du lịch địa phương của mình.
Ngày hội văn hóa dân tộc Thái không chỉ mang đến những nét đặc sắc văn hóa độc đáo mà từ những hoạt động trên, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Thái sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy và tôn vinh, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn, đoàn kết dân tộc.
Quang Duy (TTXVN)