Tạo nguồn lực tài chính mới cho phát triển rừng bền vững

Sau 3 năm tỉnh Sơn La triển khai thực hiện chính sách của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định sự phù hợp với tỉnh miền núi có nhiều tài nguyên rừng. Đồng thời, chính sách này đã tạo lập một nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với rừng.

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định: “Kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực về ý thức quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho những người dân làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới”.

Sơn La sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La trong thời gian qua còn góp phần ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng toàn tỉnh từ 43% (năm 2011) lên 45% (năm 2014), đảm bảo quyền lợi cho người dân làm nghề rừng.

Ở bản Tà Ẻn, xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) nhờ thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà đời sống của đồng bào Xinh Mun đang có những bước đổi thay. Trước đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép là chuyện thường thấy, nhưng nay, người Xinh Mun đã cam kết giữ rừng tốt hơn.

Chi trả dịch vụ môi trường cho các chủ rừng tại xã Chiềng Lao, huyện Mường La (tỉnh Sơn La).



Không riêng ở Tà Ẻn, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu cũng phát huy hiệu quả từ chính sách này. Nhiều hộ gia đình ở đây đã có thể sống được bằng nghề chăm sóc bảo vệ rừng, nên không còn hộ trồng cây anh túc nữa. Ông Ly Sếnh Chứ, Bí thư Ðảng ủy xã Pá Lông tâm sự: Đây là một chủ trương đúng, khuyến khích người dân vùng cao từng bước ổn định đời sống, góp phần ổn định kinh tế, xã hội. Đồng thời nâng cao vị thế của người dân làm nghề rừng và sống trong rừng trong việc ban hành và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng công bằng và hiệu quả như hiện nay.

Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nhộp, xã Chiềng Bôm (rừng đặc dụng Copia, huyện Thuận Châu) đang chăm sóc rừng.


Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn là đòn bẩy kinh tế giúp chính quyền cơ sở chỉ đạo, tổ chức, điều hành quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống chữa, cháy rừng ở cơ sở tốt hơn, làm cho ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó các chủ rừng đã quan tâm thường xuyên tuần tra canh gác “kho vàng” ở rừng của mình. Nhiều địa phương (xã, bản) đã tổ chức lại cách thức bảo vệ rừng theo hình thức tổ bảo vệ, quản lý rừng theo cộng đồng bản, phối hợp, hỗ trợ nhau trong tuần tra bảo vệ rừng, tạo sự đồng thuận và quyết tâm hơn trong việc đấu tranh chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại (năm 2013 giảm 382 vụ so với năm 2009).

Bài và ảnh: Điêu Chính Tới

Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần xóa đói, giảm nghèo
Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần xóa đói, giảm nghèo

Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách “Chi trả dịch vụ môi trường rừng”, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN