Hơn chục năm qua, trên dòng sông Sê Rê Pốc (Đắk Lắk và Đắk Nông) đã xây dựng 7 công trình thủy điện lớn nhỏ với tổng công suất 800 MW.
Sau khi các nhà máy thủy điện xây dựng xong và đưa vào vận hành phát điện, nhiều người dân ở hai bên bờ sông Sê Rê Pốc vẫn tiếp tục nghề chài lưới đánh bắt cá.
Đối với những vị trí phía dưới nhà máy thủy điện, trong quá trình vận hành các tổ máy, nước xả tạo nên dòng xoáy chảy xiết tập trung nhiều cá. Do vậy, nhiều người dân chài lưới thường chèo thuyền đến gần vị trí nước xoáy phía sau nhà máy thủy điện để thả lưới và câu cá.
Hậu quả là vào tháng 5/2010, có 1 thuyền độc mộc của dân xã Ea Wen (huyện Buôn Đôn-Đắk Lắk) đến phía sau nơi xả nước của Nhà máy thủy điện Sê Rê Pốc 4 (140 MW) đánh bắt cá bị dòng xoáy lật thuyền làm 2 người chết đuối. Ngay sau đó, canô đến ứng cứu cũng bị dòng nước xoáy cuốn chìm và làm chết thêm 3 người.
Mới đây nhất, cuối tháng 2/2011, 3 người dân ở xã Ea Pô (huyện Cư Jut-Đắk Nông) đến phía sau Nhà máy thủy điện Sê Rê Pốc 3 (220 MW) đánh bắt cá. Dòng xoáy chảy xiết của nước xả nhà máy thủy điện làm lật thuyền và cuốn trôi người đi trên thuyền. Do gặp may nên 3 người gặp nạn bám được rễ cây gần vị trí dòng xoáy nước xả.
Trung tâm điều độ điện quốc gia (Tập đoàn điện lực Việt Nam) đã phải cho phép Nhà máy thủy điện Sê Rê Pốc 3 ngừng hoạt động các tổ máy và ngắt dòng chảy, để cứu 3 nạn nhân và vớt được con thuyền bị chìm dưới đáy sông.
Tình trạng người dân đánh bắt cá bên dòng xoáy của nước xả các nhà thủy điện trên dòng sông Sê Rê Pốc đang là vấn đề "nóng", do vậy, cùng với khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân sinh sống trong khu vực tránh được nguy hiểm.
Nguyễn Tiên Tri