"16 năm gắn bó với sự nghiệp y tế vùng cao Xuân Thượng, tôi thấy khó khăn về thông tin 2 chiều. Phần lớn bà con không biết tiếng phổ thông, đây là thách thức lớn nhất trong công tác truyền thông dân số, nâng cao ý thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Chị Sẻng Thị Hà - Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Thượng đang tuyên truyền DS-KHHGĐ. Ảnh: Thanh bình (CTV) |
Nếu mình biết được tiếng của đồng bào thì việc gì mình cũng giải thích được ngay và mình hiểu được, nắm được nguyện vọng của dân” - chị Sẻng Thị Hà, Trạm trưởng trạm y tế xã Xuân Thượng huyện Bảo Yên (Lào Cai) bộc bạch.
Giờ đây khi đến bất cứ một bản người Dao, người Mông, người Tày hoặc người Nùng nào ở Xuân Thượng mọi người đều nói Sẻng Thị Hà là người con của dân tộc mình. Chị đã kiên trì học nói được 6 thứ tiếng dân tộc, nên mọi người dành tình cảm tin yêu. Nhờ đó, nhiều năm qua Xuân Thượng được đánh giá là địa phương đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số với hơn 80% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 4%.
Theo chân cán bộ Trung tâm y tế huyện Bảo Yên đến điểm thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi ở xã Xuân Thượng, khi thấy chúng tôi hỏi về chị Sẻng Thị Hà, chị Lý Thị La - người dân tộc Mông ở bản Vành 4 hồ hởi: "Cán bộ Hà nói đẻ nhiều con khổ lắm, không nên đẻ dày quá con nó không lớn được. Để không đẻ nhiều con, muốn trẻ đẹp, khỏe mạnh thì phải đi đặt vòng, uống thuốc tránh thai, dùng bao cao su hay triệt sản. Nghe lời cô Hà nhà mình đẻ có 2 con thôi, con mình khỏe mạnh hơn hẳn so với những nhà đẻ nhiều con đấy".
Trước kia, người dân không có thói quen đến trạm xá chữa bệnh, mọi bệnh đều tự chữa bằng kinh nghiệm dân gian, bằng bài thuốc của ông lang vườn, chỉ khi bệnh nặng không thể cứu chữa được thì mới đến trạm xá. Sự hiểu biết của người dân về vấn đề dân số – kế hoạch hóa gia đình chưa cao. Cộng với quan niệm phải sinh đông con cho vui cửa, vui nhà, đẻ nhiều để lấy người làm nương, có người phụng dưỡng khi tuổi già dẫn đến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Xuân Thượng đứng trong tốp cao nhất huyện.
Trước thực trạng đó, với trách nhiệm của người thầy thuốc, chị Hà luôn trăn trở tìm cách để làm chuyển biến suy nghĩ của người dân nơi đây. Chị cùng với tập thể cán bộ trạm y tế tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, thôn bản lồng ghép công tác tuyên truyền dân số trong những buổi họp về công tác chăm sóc sức khỏe, như: Ăn chín, uống sôi, phát quang xung quanh nhà, ngủ phải nằm màn, vận động các hộ gia đình làm công trình phụ hợp vệ sinh, khi ốm cần đến trạm y tế xã để khám và điều trị....
Nhiều năm qua Xuân Thượng không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn và được đánh giá là địa phương có phong trào chăm sóc sức khỏe toàn dân tốt. Giờ đây, người dân đã tìm đến trạm y tế khi ốm đau, trên 80% sản phụ đến trạm y tế sinh con; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ, 100% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong xã đã tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai.
Hương Thu