Xin Bộ trưởng cho biết tình hình chung về quỹ đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số khi tái định cư thủy điện?
Tái định cư thủy điện, đến nơi ở mới, đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số dần ổn định cuộc sống, các điều kiện về đất ở, nhà ở, phương tiện lao động, sinh hoạt và sản xuất... được cải thiện nhiều so với nơi ở cũ.
Các khu, điểm tái định cư đã và đang hình thành nhiều cụm dân cư mới, tập trung hơn, điều kiện sống và cơ sở hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ.
Do tập quán sản xuất của người dân trước đây là trồng cây lúa nước, khi về nơi ở mới họ vẫn có tư tưởng, nguyện vọng muốn được trồng cây lúa nước và mong có diện tích đất sản xuất rộng hơn.
Tuy nhiên, một số điểm tái định cư chưa tạo được quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào dân tộc tái định cư thủy điện theo định mức đã được phê duyệt. Diện tích đất giao cho người dân tái định cư phần lớn có địa hình dốc, bạc màu, hiệu quả canh tác thấp. Đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo cao.
Người dân đã chấp nhận di dời để nhường đất xây dựng các nhà máy thủy điện, nên quan điểm của Đảng và Nhà nước là khi tái định cư đến chỗ ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhiều điểm tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của người dân, nổi bật là vấn đề thiếu đất sản suất. Đồng bào dân tộc ở miền núi, chủ yếu là dựa vào đất sản xuất để canh tác, ổn định đời sống, nhưng không có đất thì rất khó khăn.
Các cấp chính quyền cần quan tâm, cố gắng thực hiện đúng với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, để họ dần ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Xin Bộ trưởng cho biết, để đồng bào dân tộc thiểu số sớm ổn định đời sống tại nơi ở mới thì các cấp chính quyền phải thực hiện giải pháp gì?
Hiện quỹ đất sản xuất ở vùng Tây Bắc không còn nhiều, tùy theo điều kiện từng địa phương, trên cơ sở khảo sát về tiềm năng kinh tế, lợi ích môi trường của một số diện tích rừng nghèo, có thể tính đến việc chuyển đổi sang đất sản xuất cho người dân tái định cư.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại diện tích đất canh tác thực của các hộ dân sở tại, vì thực tế có nhiều hộ đất sản xuất còn khá lớn, có hộ bỏ hoang nhưng không nhường lại hoặc giao lại cho các hộ tái định cư.
Sau khi rà soát tổng thể sẽ phân chia lại để vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, vừa bảo đảm tăng quỹ đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư. Chỉ khi có đất sản xuất thì mới có khả năng bảo đảm an ninh lương thực hộ gia đình.
Công tác chuyển đổi nghề là một trong những giải pháp quan trọng để giúp người dân tái định cư ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương phải xác định rõ đồng bào dân tộc đã và đang sống bằng nghề gì để đào tạo nghề phù hợp.
Việc chuyển đổi cũng không phải là chuyển hẳn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp mà nhiều trường hợp phải là giúp bà con chuyển từ sản xuất tự nhiên, chủ yếu dựa vào thiên nhiên hoang dã sang làm nông nghiệp theo hướng thâm canh. Nếu trước đây nghề của bà con là làm nương rẫy thì nay có thể đào tạo để biết trồng rau sạch, trồng các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày…
Cùng với đó là phải chuyển đổi cả tư duy, cách sống của bà con, từ cuộc sống thuần tự nhiên sang sống nề nếp. Đặc biệt, chuyển nghề cũng là gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lợi thế đất đai của từng vùng để đưa mô hình trồng trọt, chăn nuôi vào hoạt động hiệu quả.
Cơ sở hạ tầng điểm tái định cư thủy điện Lai Châu được hoàn thiện giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ảnh: Quang Duy - TTXVN |
Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chương trình “Hậu tái định cư” mà Chính phủ đang xây dựng và thực hiện?
Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của các tỉnh có người dân tái định cư thủy điện là thực hiện những chính sách “Hậu tái định cư”, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án.
Chính sách hỗ trợ đời sống cho người dân tái định cư thủy điện của Nhà nước đã hết nên bà con gặp rất nhiều khó khăn, Đề án “Hậu tái định cư” là “cái phao cứu sinh” giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Để đời sống người dân tại các vùng tái định cư ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới chính quyền địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đề án ổn định dân cư, phát triển đời sống kinh tế - xã hội; lồng ghép các chương trình, dự án và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Xây dựng các công trình thủy điện, đồng bào dân tộc phải đánh đổi quá lớn. Rừng, sông suối, môi trường bị tàn phá… đã ảnh hưởng đến đời sống và không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Thành tựu to lớn, nhưng một bộ phận người dân phải chịu nhiều tổn thất, cả vật chất lẫn tinh thần.
Các công trình thủy điện bước vào hoạt động phải trích phần trăm lợi nhuận để làm công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế cho các hộ tái định cư thủy điện.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!