Người lưu giữ văn hóa dân tộc Cơ Tu

Nơi núi rừng của miền rẻo cao Đông Giang (Quảng Nam), già làng Y Kông được đồng bào Cơ Tu biết đến như một vị già làng mẫu mực, một nhân chứng sống còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào quê mình. Càng đặc biệt hơn, ông là già làng đầu tiên của vùng Hiên Giằng tự xây dựng mô hình nhà mồ, đẽo quan tài chuẩn bị cho ngày về với tổ tiên ông bà.


Lưu giữ văn hóa người Cơ Tu


Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, vượt quãng đường triền dốc đầy sỏi đá hơn 130 km, chúng tôi tìm về thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng vị già làng vang tiếng khắp miền sơn cước Hiên Giằng. Trong khí trời se se lạnh bắt đầu chớm sang đông, chúng tôi vẫn quyết tâm gặp bằng được người con của núi rừng đang ngày đêm tận tụy gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

Những hiện vật cổ trưng bày trong ngôi nhà rông của ông Y Kông.


Trong một khoảng sân rộng nằm ở trung tâm của làng Tống Cói, một cụ ông râu tóc bạc phơ, đầu đội khăn chòm, vận sắc phục dân tộc, tay cầm một chiếc sừng trâu vừa reo hò vừa nhảy múa trong làn điệu lễ hội đâm trâu. Người vây quanh đông như trẩy hội, tiếng cười nói vui vẻ. Một lúc sau, chúng tôi lân la hỏi ra mới biết đó chính là vị già làng mà mình cần tìm. Bắt gặp hình ảnh của những lữ khách dưới xuôi lên, ông chậm rãi chuyển giao phục trang đang biểu diễn cho một già làng kế bên rồi mời chúng tôi vào an tọa tại một căn chòi mà ông bảo đó là nhà rông của đồng bào Cơ Tu. “Đã lâu rồi mới có một ngày vui tái hiện lại một nét văn hóa đang bị mai một của người Cơ Tu. Thời điểm diễn ra lễ hội đâm trâu mừng lúa mới là vào tháng 8 âm lịch nhưng bây giờ cuộc sống kinh tế khiến bà con ít lưu tâm đến ngày truyền thống ông bà để lại. Dù là buổi lễ mang tính chất tái hiện nhưng vẫn mong sao thế hệ trẻ không quên nguồn gốc, tập tục của tổ tiên” - già làng Y Kông chia sẻ.

Ông Y Kông say sưa gảy đàn bró, một loại đàn đặc biệt của người Cơ Tu.


Trong căn nhà rông lợp lá, bốn bên đều dựng bằng những tấm phên mang chất liệu từ thiên nhiên, gian nhà nhỏ thấp, chật chội nhưng lưu giữ không biết bao nhiêu hiện vật cổ có niên đại lên đến hàng trăm năm như: Tà và, nỏ thần linh, đàn đá…, đặc biệt có đến chục bộ cồng chiêng lớn nhỏ được ông gìn giữ cẩn thận sau những kì tổ chức lễ hội. Đưa mắt nhìn lên trần nhà, giật mình khi nhìn thấy những bộ xương lớn nhỏ của những con thú mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi được “mục sở thị”. Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác về những “dị vật” này, ông Y Kông giải thích: “Cái mà các chú nhìn thấy đó là những chiến lợi phẩm trong các lần săn bắn của xạ thủ nơi đây. Tất cả đều bị giết hạ bởi chiếc nỏ mà đồng bào Cơ Tu gọi là nỏ thần linh. Thời xa xưa mũi tên dùng để bắn được tẩm một loại hóa chất cực độc chiết xuất từ loại cây rừng ở tận Tây Giang mới có. Thời đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, cũng chính nỏ thần đã theo những thanh niên trai tráng lên đường xông pha giết giặc”. Kể đến đây gương mặt nổi sộm những nếp nhăn nơi vầng thái dương ông bỗng đăm chiêu, bày tỏ một nỗi niềm như tiếc rẻ, bởi nỏ thần linh đã không còn gắn bó với người dân nơi đây nữa, bởi bây giờ hiếm người còn mặn mà với chiếc nỏ gỗ một thời theo xạ thủ vào rừng săn bắn. Nhưng hễ làng có dịp tề tựu đông đủ, người ta lại thấy già làng vắt trên lưng chiếc nỏ thần linh rồi say sưa kể về sự tích, truyền thuyết về một loại vũ khí mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình cho lớp thế hệ trẻ.

Ông Y Kông bên ngôi nhà mồ do chính tay mình tạo nên.

Làm nhà mồ, đẽo cỗ quan tài cho mình


Ông Y Kông từng trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, chống Pháp và chống Mỹ. Từng đảm nhiệm vai trò cán bộ xây dựng phong trào 3 huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang từ năm 1954. Đến năm 1982, ông giữ chức Chủ tịch huyện Đông Giang. Từ năm 1982 - 2002, từng kinh qua các chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Ba. Ông được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Cách đây không lâu chúng tôi đã được nghe phong thanh về một sáng tạo “độc nhất vô nhị” của vị già làng này. Đó là việc ông đã dày công tự đục đẽo ra một cỗ quan tài mà ông cho đó là nơi ông sẽ “ngả lưng” khi rời xa dương thế, tìm về với cội nguồn tổ tiên. Cỗ quan tài với hình thù rất kì quái mang hình dáng của một con voi, chạm trổ những họa tiết trông có vẻ như một con rồng nhưng đầu của cỗ quan tài là đầu trâu. “Phải mất 5 tháng trời tôi mới hoàn thành được “tác phẩm” do chính mình tự mày mò, sáng tạo nên. Mình dốc sức vì nước vì dân suốt mấy chục năm qua nên khi ở cái tuổi xế chiều tôi cũng muốn mình làm một điều gì đó cho bản thân. Những kiểu quan tài này từ thời xa xưa tổ tiên chúng tôi đã từng làm nên, bây giờ tôi muốn góp vào đó chút màu sắc để mai sau mọi người vẫn còn khắc ghi về một nét độc đáo của kiểu dáng quan tài do đồng bào Cơ Tu nghĩ ra”, ông Y Kông trải lòng.

Hàng chục bộ cồng chiêng lớn nhỏ qua các thời kì được ông Y Kông lưu giữ.


Gần đây nhất, ông đã tự mình thiết kế và đẽo nên mô hình nhà mồ bằng gỗ, một kiểu nhà mồ đặc trưng của người Cơ Tu với kiểu dáng phần mái nhà mồ có cấu trúc hình tam giác được nâng đỡ bởi 6 cột chống tạo sự chắc chắn vốn có cho ngôi nhà mồ. Theo như ông Y Kông cho biết thì nhà mồ là kiểu nhà dành cho người đã khuất và đặc biệt chỉ những người quyền uy, giàu có lúc thác xuống mới được xây dựng kiểu nhà này.


Bài và ảnh: Thanh Ba

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN