Đối với người Khmer Nam Bộ, điêu khắc là một nghệ thuật truyền thống thiết yếu gắn liền với các kiến trúc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa của công trình. Rất phong phú về đề tài, thể loại cũng như về chất liệu làm từ nhiều loại như gỗ, đá, kim loại, xi măng…
Tương đương với nghệ thuật vẽ, nghệ thuật điêu khắc cũng được nghệ nhân Khmer các chùa đặc biệt quan tâm, với nhiều thể loại hình tượng và hoa văn trang trí rất độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt. Nói cách khác, người Khmer thường vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu để trang trí cho ngôi chùa cốt làm sao cho thêm đẹp, thêm lộng lẫy, dần dần trở thành một biểu tượng của nghệ thuật truyền thống, có một không hai.
Những ngôi chùa, ngôi tháp của người Khmer trở nên đẹp hơn khi gắn trên mình những hoa văn tinh xảo. |
Người Khmer thường sử dụng một số đề tài phong phú: Hình tượng thì có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, thiên thần, vũ nữ, hình rồng, rắn thần. Hoa văn trang trí thì có nhiều hình thức phức tạp phối hợp lẫn nhau, có loại hoa văn chạm chìm, chạm nổi - bằng gỗ hay bằng đá - loại đổ khuôn bằng xi măng hay đắp trực, cẩn, trám gạch màu… Ngoài ra, còn rất nhiều mô-tip phản ánh thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ...
Tỉ mỉ tỉa những hoa văn cầu kỳ. |
Theo nghệ nhân Danh Bên ở khóm 2, phường 2, thành phố Cà Mau: “Nghề điêu khắc đòi hỏi phải có năng khiếu, được đào tạo qua trường lớp một cách nhuần nhuyễn, người điêu khắc phải biết tên hoa văn, hiểu về ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của nó. Đặc biệt là đối với tượng Phật phải khắc đẹp, khắc đúng theo hướng của “Tam tạng kinh” chứ không phải khắc giống là được”.
Những tác phẩm điêu khắc được trưng bày trong chùa Serey Kandal. |
Bên cạnh những tác phẩm như: Tương Phật, thần nữ, rắn Naga, Ha-nu-man, Pres Ram, Thần Vi-sa-nus, các loại hoa văn truyền thống…, các nghệ nhân Khmer còn thể hiện các tác phẩm mang tính gần rũi với thiên nhiên: Hoa sen, hoa văn lửa, dây leo, hoa cúc, hình cây trúc, bồ đề… Đặc biệt, người Khmer điêu khắc các hoa văn trên các vật dụng trong nhà từ đồ thờ tự cho đến đồ dùng hàng ngày.
Nghệ nhân Kim Sua (Sóc Trăng) chăm chú sáng tạo trong từng đường nét. |
Cũng theo nghệ nhân Danh Bên, nghệ thuật điêu khắc người Khmer đồng bằng sông Cửu Long là nền nghệ thuật mang tính chất tôn giáo được làm nên bởi những người dân lao động phục vụ cho mục đích lý tưởng của tôn giáo nhưng không thoát tục mà cùng với mọi người xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: Xuân Trang